Ngày 18/4, Bộ công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá các hoạt động công thương địa phương Quý I và triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu năm 2023. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, đại điện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
3 tháng đầu năm 2023 dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, tổ chức triển khai quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp Quý I giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Có 48 địa phương có Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 tăng và 15 địa phương có Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Quý I/2023 tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bàn về giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2023, hội nghị thống nhất tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Bám sát tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và Doanh nghiệp lớn toàn cầu. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đồng bộ từ trung ương đến địa phương...
Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Hoàng Gia Long phát biểu tham luận tại hội nghị |
Tham luận với hội nghị, đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang nêu rõ: Nằm trong khó khăn chung của cả nước chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh quý I năm 2023 giảm 15,93% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của Hà Giang tăng 19,2% so với cùng kỳ. Đối với xuất nhập khẩu hàng hoá, theo chiều ngược lại với sự sụt giảm toàn quốc thì giá trị hàng hoá xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Giang lại có mức tăng khá so với cùng kỳ là tăng 598%. Nguyên nhân, do cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ - Thiên Bảo đã chính thức khôi phục hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các tư thương XNK hàng hoá. Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu năm 2023 đề nghị Bộ công thương: Phối hợp với Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành quy định về việc bàn giao các công trình điện sang cho ngành điện quản lý, vận hành. Bộ công thương quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, hỗ trợ mở rộng tìm kiếm thị trường và hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp để sớm khôi phục lại hoạt động. Đề nghị Bộ sớm bàn với Bộ Công thương Trung Quốc để chúng ta thống nhất mở lại hoạt động xuất nhập khẩu hoạt động giao lưu thương mại giữa các cửa khẩu biên giới.
Trước những khó khăn, thách thức từ thực tế tình hình Quốc tế và trong nước, kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu: Tiếp tục tuyên tuyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại và Chương trình hành động của Bộ Công Thương. Xây dựng chiến lược, kế hoạch của từng địa phương tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và của Quốc gia. Tập trung chấn chỉnh kỷ cương, phân cấp cụ thể và có cơ chế bảo vệ các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi hoạt động; tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách gỡ khó cho Doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản của địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển công thương; Chú trọng phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường. Khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu hướng đến các thị trường mới, phát triển dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam./.
Đình Anh
Ý kiến bạn đọc