Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023

13:44, 21/04/2023

Chiều ngày 20/4, dưới sự chủ trì của của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang.

Báo cáo tại hội nghị của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết: Năm 2022, trên các vùng miền của cả nước đã ghi nhận 21 trong tổng số 22 loại hình thiên tai, trừ sóng thần, trong đó có hơn 1.000 trận thiên tai đã được thống kê. Thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.

Tại tỉnh Hà Giang, năm 2022, thiên tai trên địa bàn đã làm 2 người chết, 14 người bị thương, 957 nhà bị thiệt hại, 54 trường học và điểm trường bị hư hỏng, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hàng nghìn ha diện tích sản xuất nông lâm nghiệp bị ảnh hưởng, nhiều gia súc, gia cầm của nhân dân bị chết…với tổng giá trị thiệt hại lên tới trên 260 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị trên cơ sở nhận định diễn biến thiên tai năm 2023, các bộ, ngành và địa phương tập trung phân tích những tồn tại và hạn chế trong thực hiện công tác phòng chống thiên tai, từ đó đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó. Cụ thể, cần triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương đi đôi với thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ xung để phù hợp với thực tế địa phương, xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực xã hội trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; lồng ghép kế hoạch phòng, chống thiên tai vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ, ngành, địa phương; nâng cao năng lực, chất lượng cảnh báo, dự báo, năng lực cứu hộ, cứu nạn, lấy phòng là chính; hoàn  thành xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai. Cùng với đó, ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai; nhất là hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở an toàn; đồng  thời, tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh thiên tai ngày một cực đoan, khó lường, kịp thời khắc phục hậu quả, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản./.

Văn Hương


Ý kiến bạn đọc