Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

V.I.Lênin với phòng và chống tiêu cực trong Đảng

17:55, 22/04/2023

 Kỷ niệm 153 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22.4.1870 – 22.4.2023)

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, nước Nga lâm vào nội chiến và đứng giữa vòng vây, sự tấn công của chủ nghĩa tư bản với muôn vàn gian khó. Để Nhà nước Xô viết đứng vững, V.I.Lênin đã đặc biệt quan tâm đến vai trò lãnh đạo và công tác xây dựng Đảng cộng sản Bôn sê vích.

V.I.Lênin khẳng định vai trò cầm quyền và lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội là quan trọng nhất, bởi: “Đảng cộng sản không lãnh đạo được giai cấp vô sản, không lôi cuốn được quần chúng theo mình thì tất cả bộ máy sẽ tan rã”. Người nhấn mạnh những bất cập, những tiêu cực trong Đảng và trong Nhà nước phải được nhận diện và loại bỏ triệt để, bởi nếu không chúng sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào chế độ mới.

V.I.Lênin đã nhận diện những tệ nạn tiêu cực trong xã hội len lỏi vào cơ quan Đảng và bộ máy Nhà nước với những biểu hiện rất đa dạng. Nguy cơ nhất là chủ nghĩa cơ hội, sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Người nói: “Đầu lưỡi của họ thì thừa nhận cách mạng mà trên thực tế thì từ bỏ cách mạng”, thậm chí: “Họ xóa nhòa, họ xuyên tạc nội dung và tinh thần của học thuyết cách mạng”. Người cho rằng cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống, xa rời thực tiễn, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, gấy mất đoàn kết nội bộ là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng. Người cho rằng nạn hối lộ là kẻ thù nguy hiểm vì “nếu hối lộ được thì không thể nói đến chính trị được… không thể làm được một thứ chính trị nào hết”. Người cho rằng: “Loại cán bộ, đảng viên quan liêu, tham nhũng, hối lộ là những phần tử thoái hóa về đạo đức, lối sống, cơ hội, lợi dụng chức quyền phải được loại trừ”.

V.I.Lênin đặc biệt lên án bệnh “kiêu ngạo cộng sản, vô tổ chức, vô kỷ luật”. Người chỉ ra rằng: “Các Đảng cách mạng đã bị tiêu vong đều là do tự cao, tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì đã tạo nên sức mạnh cho mình và không dám nói lên những nhược điểm của mình”. Người nhấn mạnh do kiêu ngạo cộng sản nên tự cao, tự đại, cái gì cũng cho mình đúng, nhưng khi sai lầm khuyết điểm thì tìm cách che dấu, lấp liếm không dám thừa nhận, “căn bệnh này rất nguy hại sẽ dẫn đến Đảng bị tiêu vong”.

Từ việc nhìn nhận ra những tệ nạn tiêu cực, V.I.Lênin đã chỉ ra phương thức để xây dựng Đảng và Nhà nước. Người cho rằng: “Chế độ chuyên chính vô sản và kỷ luật nghiêm minh là một trong những điều kiện cơ bản để chiến thắng giai cấp tư sản”. Cần phải tăng cường giáo dục cán bộ, đảng viên, thực hiện dân chủ tập trung và kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả; phải xây dựng hệ thống pháp luật khoa học, phù hợp nhằm đảm bảo hoạt động của Đảng và Nhà nước theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đồng thời thực thi dân chủ với nhân dân. Phải làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát quyền lực đối với tổ chức, con người và công việc. Có như vậy thì mới chống được thoái hóa, biến chất, công việc mới trôi chảy, xã hội phát triển, tạo được niềm tin và sự đồng lòng của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Những chỉ dẫn của V.I.Lênin vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta hiện nay, khi mà tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống còn phổ biến và diễn ra phức tạp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, những người có chức, có quyền trong Đảng, trong hệ thống chính trị rơi vào chủ nghĩa cá nhân, sa sút ý chí chiến đấu, tham nhũng, cửa quyền, vi phạm pháp luật và những điều đảng viên không được làm, dẫn đến nguy cơ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội; phản bội lại lập trường và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng theo quan điểm của V.I.Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trước tình hình hiện nay, tại các Hội nghị TW4 các khóa XI, XII, XIII đã có Nghị quyết tập trung vào việc kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tập trung xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cấp “thà ít mà tốt”, vừa có đức, vừa có tài, công tâm, liêm chính đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Thực hành dân chủ rộng rãi, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của Đảng và hệ thống chính trị, Đảng luôn “gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân” như Bác Hồ nhắc nhở. Chú trọng nêu gương tốt, việc tốt, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực.

Đảng cần đặc biệt quan tâm đến giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm không để lọt những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, tham ô, tham nhũng lọt vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Kịp thời phát hiện để đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ, đảng viên tốt, đủ đức, đủ tài, dám nghĩ, dám làm, tiên phong gương mẫu vì lợi ích chung.

Những chỉ dẫn của V.I.Lênin đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vận dụng, bổ sung và phát triển để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phù hợp với điều kiện và tình hình cụ thể của đất nước trong từng thời kỳ, để thực sự “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”; tạo được sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”, nhờ vậy đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng có được cơ đồ như ngày nay, phấn đấu với mục tiêu cao cả “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 Đặng Duy Báu   

Ghi chú: Các trích dẫn từ V.I.Lênin Toàn tập (các tập 41, 43, 45, 46) Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội 2006.


Ý kiến bạn đọc