Sáng 22.6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Nghị quyết về phân bổ vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư, giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia; thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Đại biểu Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã tham gia thảo luận vào dự án luật này.
Đại biểu Tráng A Dương thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) |
Đại biểu Tráng A Dương nhất trí, thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi). Đại biểu cho rằng hồ sơ dự án luật được Chính phủ chuẩn bị đầy đủ, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Đoàn ĐBQH Hà Giang bấm nút biểu quyết thông qua các luật và nghị quyết tại phiên họp |
Góp ý trực tiếp vào một số quy định cụ thể, theo đại biểu, dự thảo quy định đối tượng áp dụng bao gồm cả tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Quy định này khó khả thi, nhất là đối với các pháp nhân không có sự hiện diện tại Việt Nam. Để duy trì một môi trường pháp lý thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài cũng như các nhà cung cấp dịch vụ số, đại biểu đề nghị giới hạn phạm vi áp dụng của luật đối với những cá nhân và tổ chức được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.
Tại điểm c khoản 2 Điều 18 của dự thảo luật quy định “không cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước thấp hơn giá thành”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định này do không phải lúc nào việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ với giá thấp hơn giá thành cũng là hợp pháp. Trong khi đó Điều 91 của Luật Thương mại quy định về quyền khuyến mại của thương nhân, Luật Cạnh tranh cũng không cấm hành vi bán hàng hóa, dịch vụ dưới giá thành toàn bộ (điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh chỉ quy định cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi “bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh”). Vì vậy đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định nêu trên tại dự thảo luật để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), trong đó có đánh giá tác động của chính sách dân tộc, vì đây là hoạt động rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của dự án luật, đặc biệt là tính khả thi của các quy định phù hợp với Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội.
Nguồn: BHG
Ý kiến bạn đọc