Sáng 6.6, dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Tại phiên chất vấn, đại biểu Tráng A Dương, Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Theo chương trình, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 được tiến hành trong 2,5 ngày và được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, điều hành phiên chất vấn |
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình huệ cho biết, nội dung dung chất vấn tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Giao thông vận tải và Ủy ban Dân tộc. Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn làm căn cứ cho các cơ quan tổ chức triển khai, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH giám sát thực hiện.
Các đại biểu dự phiên chất vấn |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH phát huy tinh thần “tận tâm – tận lực – tích cực – tâm huyết – trách nhiệm” trong hoạt động chất vấn; các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước, giải trình rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục để phiên chất vấn thực sự hiệu quả, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao, không chỉ góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề thời sự, cấp bách mà còn nhận diện và đề xuất giải pháp cho các vấn đề căn cơ, lâu dài.
Đại biểu Tráng A Dương nêu câu hỏi chất vấn |
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu Tráng A Dương nêu: Trong những năm qua, đại dịch Covid – 19 lan rộng và diễn biến phức tạp đã khiến nhiều người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập. Trong bối cảnh đó, nhiều người lao động đã lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cho cuộc sống. Tình trạng này không chỉ tạo sức ép lớn lên hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Có ý kiến đề xuất, đề nghị T.Ư xem xét thành lập quỹ hoặc bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ người lao động (tương tự như chính sách hỗ trợ lao động trong dịch Covid – 19) để giúp người lao động giảm bớt khó khăn ổn định cuộc sống. Đồng thời xem xét bổ sung Quỹ quốc gia việc làm để địa phương có thêm nguồn hỗ trợ người lao động. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ về đề xuất trên.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn |
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid – 19. Bộ trưởng cho rằng cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này. Việc thành lập quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng đánh giá đó là một trong các giải pháp bên cạnh nhiều giải pháp khác để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. Bộ trưởng cho biết, có nhiều phương pháp cần được thực hiện, triển khai đồng bộ, phương án lập quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ ghi nhận và sẽ nghiên cứu phương án này.
* Lần đầu tiên “đăng đàn” trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chiều 6/6 giải đáp các vấn đề về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. |
Để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2030, Quốc hội giao Chính phủ rà soát, cân đối bố trí ngân sách Trung ương bổ sung cho chương trình, tăng chi cho đầu tư phát triển, có giải pháp huy động vốn ODA và các nguồn vốn. Quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh về quá trình tham mưu Chính phủ thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang. |
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh đến nay Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn 104.000 tỷ đồng cho giai đoạn từ nay đến 2025 từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ngoài ra còn một số nguồn vốn khác như vốn tín dụng 19.700 tỷ, vốn địa phương đối ứng trên 10.000 tỷ; huy động vốn ngoài ngân sách khoảng hơn 2.000 tỷ từ nguồn ODA và khuyến khích một số nguồn vốn xã hội khác.
“Việc bố trí nguồn vốn ngân sách đã đủ để triển khai theo Nghị quyết Quốc hội phê duyệt. Về việc huy động nguồn vốn khác, Ủy ban đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng kế hoạch huy động nguồn vốn khác ngoài ngân sách, như vốn của các DN, Tổng công ty,… nhưng trong giai đoạn 2020-2021 việc huy động rất khó khăn do đại dịch Covid-19. Đối với nguồn vốn ODA, Ủy ban đã có dự án phối hợp với các Bộ, ngành huy động gần 9.000 tỷ đồng, khảo sát để đầu tư 75 tuyến đường cho các xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do việc đàm phán gặp nhiều vướng nên tới đây Ủy ban sẽ nghiên cứu, đàm phán lại và cố gắng thực hiện dự án này từ nay đến 2025", Bộ trường Hầu A Lềnh thông tin.
TTĐT
Ý kiến bạn đọc