Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

20:31, 24/06/2023

Sáng 24.6, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc: Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đại biểu Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH khóa XV tham gia thảo luận về dự án luật này.

Đại biểu Tráng A Dương nhất trí với dự thảo luật và báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Theo đại biểu, Điều 2 dự thảo luật quy định “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng được tuyển chọn tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, làm nòng cốt xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên tại Chương II quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được cụ thể hóa từ Điều 7 đến Điều 12 thì nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự lại tương đối rộng và thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn so với quy định về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nghiên cứu để có sự thống nhất các quy định nhằm tạo sự nhất quán; rà soát quy định phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của lực lượng này.

Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận
Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận

Đối với tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định tại Điều 4, đại biểu Tráng A Dương cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các trường hợp được ưu tiên xem xét tuyển chọn, bố trí vào các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở như đoàn thanh niên, đảng viên, cựu chiến binh… 

Đồng thời, đề nghị bổ sung “vùng biên giới” vào địa bàn “đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa không có đối tượng tuyên chọn có đủ tiêu chuẩn trung học phổ thông thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình trung học cơ sở để tham gia lực lượng...”

Tại điểm b khoản 1 Điều 4 dự thảo quy định "... có giấy chứng nhận đã học hết chương trình trung học phổ thông do cơ quan có thẩm quyền cấp”, đại biểu đề nghị điều chỉnh nội dung phù hợp với quy dịnh của Thông tơ số 21/2019/TT-BGDĐT, cụ thể là “…có giấy chửng nhận hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông... ”.

Về bảo đảm kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Khoản 12 Điều 16 dự thảo quy định: Kinh phí bảo đảm hoạt dộng và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng này do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác. Đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí sẽ thực hiện theo khả năng cân đối ngân sách T.Ư. Tuy nhiên, việc bố trí ngân sách phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên mức chi sẽ có sự khác nhau giữa các địa phương, do vậy sẽ ảnh hưởng đến chế độ chính sách của các lực lượng này. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá đầy đủ, cụ thể hơn các chế độ chính sách cho lực lượng này.

Theo đại biểu, tại khoản 2 Điều 23 quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy đinh tại khoản 1 điều này phù hợp với điều kiện KT-XH của từng địa phương. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét nội dung này để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương; xem xét giao cho Bộ Tài chính hoặc phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn cụ thể mức chi, trên cơ sở đó giao cho HĐND quyết định mức chi nhằm triển khai thực hiện đồng nhất giữa các địa phương.

Với quy định về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Tại điểm b khoản 2 Điều 20 quy định: “Khi thực hiện nhiệm vụ từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng mức tiền bồi dưỡng”. Theo đại biểu với dự thảo như vậy không rõ cơ quan nào chi trả mức tiền bồi dưỡng. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình cụ thể nội dung này.

Nguồn: BHG


Ý kiến bạn đọc