Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hội thảo bảo tồn văn hóa Hà Giang gắn với phát triển du lịch

18:27, 27/06/2023

Chiều 27/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo “Bảo tồn văn hóa Hà Giang gắn với phát triển du lịch”. Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Khánh Lâm, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; đại diện Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố…

Toàn cảnh hội thảo

Báo cáo đề dẫn hội thảo nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch đã có sự chuyển biến đáng kể. Văn hóa truyền thống các dân tộc được giữ gìn và phát huy, các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ được duy trì, phát triển. Việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch được các địa phương đặc biệt quan tâm, vừa hỗ trợ khôi phục các làng nghề truyền thống, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tính đến nay, toàn tỉnh có 61 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 31 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 30 di tích, danh thắng cấp tỉnh và 22 di sản văn hóa phi vật thể. Với nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, những năm gần đây, hoạt động du lịch, dịch vụ của tỉnh ta có bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Hà Giang đón 1,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 136.360 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt khoảng 3 ngàn tỷ đồngTuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh hiện nay vẫn được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các hoạt động văn hóa được khai thác để phục vụ du lịch đã đổi mới nhưng chưa thực sự đa dạng và phong phú, các dự án về văn hóa, du lịch phần lớn có quy mô nhỏ, hạng mục đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung không có tính đột phá nên hiệu quả chưa cao...

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá vai trò của văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển du lịch; phân tích những hạn chế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua như: Nguy cơ không gian văn hóa truyền thống bị phá vỡ cao; một số giá trị văn hóa có nguy cơ mai một như trang phục, nghề truyền thống, kiến trúc nhà ở, dụng cụ sinh hoạt; nhiều di sản văn hóa chưa được đầu tư bảo tồn một cách bài bản, khoa học… Đồng thời các đại biểu đã tập trung tham luận về một số nội dung: Giải pháp phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với phát triển du lịch; bảo tồn phát huy các làng văn hóa du lịch cộng đồng, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp gắn với giải quyết việc làm tại địa phương; công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch 4 huyện vùng Cao nguyên đá; cơ chế, chính sách đặc thù nhằm giữ gìn, khôi phục giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh...

Hội thảo là dịp để lãnh đạo các sở, ban, ngành trao đổi, rút ra bài học kinh nghiệm, thống nhất về phương pháp, cách làm, trách nhiệm của các cơ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch của từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Dựa trên các ý kiến phát biểu, trao đổi của các đại biểu sẽ là cơ sở thực tiễn cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Hà Giang trong những năm tiếp theo./.

Đình Anh- Hải Hà

 


Ý kiến bạn đọc