Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát Ngân hàng Chính sách xã hội về chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh

16:03, 07/11/2023

Chiều ngày 7/11, Ban Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Hùng Thị Giang, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức Hội, đoàn thể về kết quả thực hiện chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2020 đến tháng 8/2023. Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Vàng Seo Cón, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang.

Đồng chí Vàng Seo Cón, Ủy viên BTV Tỉnh ủy,Chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh Hà Giang, thành viên Đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; thực hiện thành lập, kiện toàn Ban đại diện các cấp, tổ chức bộ máy điều hành, tác nghiệp, cán bộ theo dõi… đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện tại 193 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Thông qua Ban Đại diện Hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác và mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã trực tiếp chuyển tải vốn vay của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo công khai, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, tiết kiệm chi phí và tạo hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn.

Các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác và ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thường xuyên phối hợp thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, duy trì hiệu quả hoạt động của các Tổ tiết kiệm, vay vốn, vận động tổ viên tham gia và chấp hành quy ước hoạt động của tổ, của ngân hàng. Các cấp hội đoàn thể tích cực trong công tác phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm … hỗ trợ hộ nghèo và đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Tính đến 31/8/2023, đã giải ngân vốn vay cho 106.624 khách hàng với tổng dư nợ trên 4.651 tỷ đồng, dư nợ bình quân đạt 43,6 triệu đồng/khách hàng. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 8/2023 đối với hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số đạt trên 4.358 tỷ đồng cho 94.522 khách hàng được vay vốn/18 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số thu nợ gần 2.733 tỷ đồng. Dự nợ cho vay đối với hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số đạt gần 4.140 tỷ đồng cho 99.268 khách hàng dư nợ. Các chương trình tín dụng chính sách này đã giúp cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác tiếp cận dịch vụ tín dụng Nhà nước để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo, góp phần ngăn chặn tình trạng đi vay nặng lãi.

Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức Hội, Đoàn thể làm rõ thêm những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách; hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn…

Đoàn Giám sát đề nghị trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức Hội, đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền sao cho dễ hiểu, dễ tiếp cận để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó tích cực chung tay thực hiện tốt mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hơn nữa vai trò, lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp để phát huy hiệu quả chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Ngân hàng tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp huy động vốn đảm bảo tăng quy mô vốn, chủ động vốn, lồng ghép vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn trong điều kiện giá cả không ổn định. Làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát…

Lan Phương (Cổng thông tin điện tử tỉnh)


Ý kiến bạn đọc