Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 27/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia kỳ họp có các ông, bà Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang.
Quốc hội thảo luận tại hội trường |
Tham gia, đại biểu Quốc hội Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi dự thảo Luật Thủ đô cũng như các nội dung của dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đảm bảo được các nguyên tắc thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; đảm bảo cơ chế, chính sách phù hợp; bám sát 9 nhóm nội dung chính sách được thông qua; quy định chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển, quy định của Luật Thủ đô năm 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm và luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận |
Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang đánh giá “Có thể thấy dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang đề xuất những chính sách đặc thù vượt trội, tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Điều này đồng nghĩa với các quy định chính sách tại dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sẽ không tránh khỏi những xung đột với các văn bản luật hiện nay và trong tương lai. Đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần lưu ý để giải quyết vấn đề này.
Thanh Giang (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc