Ngày 15/11, đoàn kiểm tra, đánh giá thực hiện nông thôn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang. Làm việc với đoàn có đồng chí Hoàng Gia Lòng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.
Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Hoàng Gia Long phát biểu tại buổi làm việc |
Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Hà Giang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 175 xã, phường, thị trấn ở 11 huyện, thành phố. Giai đoạn này, tỉnh đã có thành phố Hà Giang được công nhận hoàn thành nông thôn mới, có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu hồi 1 xã đạt chuẩn; hiện có 48 xã đạt chuẩn và 88 thôn được công nhận thôn nông thôn mới. Năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và một số chương trình, dự án khác để để thực hiện các mục tiêu nông thôn mới. Nổi bật nhất trong thực hiện nông thôn mới ở Hà Giang đó là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, chủ thể chính của thực hiện nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long nhấn mạnh: quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang còn gặp khó khăn về tiêu chí tăng thu nhập cho người dân, tiêu chí giảm nghèo; nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới được cấp còn thấp so với nhu cầu thực tế của tỉnh, chỉ đạt khoảng 40%; khó khăn trong việc lồng ghép, triển khai chính sách thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia vì xảy ra trường hợp là cùng chính sách nhưng khác đối tượng hoặc cùng đối tượng nhưng chính sách lại khác, trong khi đó chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp trên. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long đề nghị Trung ương sớm giao vốn chương trình xây dựng nông thôn mới ngay từ đầu năm để tỉnh thuận lợi trong phân bổ, lồng ghép nguồn vốn thực hiện; sớm tháo gỡ khó khăn về chính sách cho tỉnh triển khai thực hiện; đề nghị Bộ, ngành Trung ương xem xét nghiên cứu, tổng hợp báo cáo đề xuất Chính phủ đối với những xã khu vực 3 đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 861, giai đoạn 2021 - 2025, nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì vẫn được tiếp tục hưởng những chính sách áp dụng đối với xã khu vực 3 thêm 3 đến 5 năm. Đồng thời, có lộ trình giảm dần hỗ trợ qua các năm, không cắt giảm luôn sau khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Mục đích là hỗ trợ cho các đối tượng ở các xã mới chuyển từ khu vực 3 sang khu vực 1 còn gặp nhiều khó khăn và chưa thích nghi kịp với sự thay đổi về chính sách.
Trao đổi tại buổi làm việc, đoàn công tác đề nghị Hà Giang xem xét xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế, tránh ép tiêu chí, đảm bảo xây dựng nông thôn mới thực chất, trong đó chú trọng đến các tiêu chí về văn hóa xã hội; rà soát lại các tiêu chí về giáo dục, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đoàn công tác ghi nhận, tiếp thu các đề nghị của tỉnh để báo cáo Trung ương xem xét có hướng dẫn thực hiện.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc