Ngày 29/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong toàn quốc, tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành thanh tra. Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Tại điểm cầu Hà Giang, có lãnh đạo thanh tra tỉnh; đại diện thanh tra các sở, ngành của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. |
Năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã có nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Linh hoạt, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác của ngành Thanh tra. Qua hoạt động thanh tra phát hiện sai phạm về tiền tăng gần 200%, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tăng hơn 600% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, đã chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Đôn đốc, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện chủ trưởng, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực. Công tác xây dựng ngành được chú trọng. Kết quả, toàn ngành đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và gần 193 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Phát hiện vi phạm về kinh tế trên 257 nghìn tỷ đồng, 616 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 7.524 tập thể, gần 8 nghìn cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng.
Tại tỉnh Hà Giang, các tổ chức thanh tra đã triển khai, thực hiện trên 100 cuộc, trong đó, theo kế hoạch 85 cuộc, đột xuất 17 cuộc. Tổng số cuộc thanh tra đã ban hành kết luận thanh tra, là: 87 cuộc. Số đon vị được thanh tra, là 151 đơn vị. Kiến nghị xử lý vi phạm: Thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền trên 15 tỷ đồng. Thu hồi 22 nghìn m2 đất. Xử lý hành chính: 16 cá nhân…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, đề nghị ngành thanh tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đẩu; xử lý kịp thời vấn đề thanh tra chồng chéo, trùng lắp, không hiệu quả. Thanh tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội. Phải đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là việc xử lý cán bộ vi phạm và việc thu hồi tiền, tài sản, đất đai. Bám sát chỉ đạo về phòng chống tiêu cực, tham nhũng để triển khai nhiệm vụ. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ. Tiếp tục xây dựng lực lượng thanh tra liêm chính, gương mẫu, chuyên nghiệp. Thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài…/.
Hồng Duyên
Ý kiến bạn đọc