Sáng 16/1, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang ở tổ 6 đã có ý kiến tham gia vào các nội dung trên.
Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham dự phiên họp sáng 16.1. |
Cho ý kiến về nội dung thảo luận, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc cho phép sử dụng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu Ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 6, Điều 51, Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang đã tham gia nhiều ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG như sau: Tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết về giải thích từ ngữ: Theo đại biểu, để thống nhất trong cách dùng từ với quy định tại Nghị định 27/2022 và Nghị định 38/2023 sửa đổi Nghị định 27/2022 của Chính phủ, đại biểu đề nghị khoản 3 Điều 3 được sửa lại là: “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng” bao gồm: Dự án, phương án phát triển sản xuất, dịch vụ do cộng đồng dân cư xây dựng, đề xuất và được cấp có thẩm quyền phê duyệt”; và khoản 4 Điều 3 sửa lại là: “Chủ dự án phát triển sản xuất là đơn vị chủ trì liên kết; cộng đồng người dân tổ, nhóm cộng đồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt cụ thể tại dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng”.
Đối với nội dung quy định tại khoản 5 Điều 3 “Cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là cơ quan nhà nước được giao dự toán thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, được xác định cụ thể tại quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất”. Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định rõ là phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nào?
Về các cơ chế chính sách đặc thù: Đối với cơ chế chính sách về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm, đại biểu đồng tình cao với đề xuất đã nêu trong dự thảo Nghị quyết là Quốc hội, Chính phủ phân bổ tổng kinh phí từng chương trình, còn HĐND tỉnh, hoặc HĐND huyện khi được phân cấp sẽ phân bổ chi tiết đến dự án thành phần. Đồng thời đại biểu đề xuất dự án thành phần là chỉ phân bổ chi tiết đến “Dự án” đối với 2 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chứ ko chi tiết đến “tiểu dự án”.
Đại biểu Vương Thị Hương phát biểu thảo luận. |
Về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất (khoản 4 Điều 4): Đại biểu đề nghị bổ sung lại như sau “Chủ dự án phát triển sản xuất được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nội dung hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà không bắt buộc phải thực hiện đấu thầu mua sắm theo các hình thức đấu thầu tại Luật Đấu thầu”.
Đối với nội dung về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (khoản 5 Điều 4): Đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và lựa chọn phương án 1.
Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (khoản 7 Điều 4): Đại biểu lựa chọn phương án 2, mỗi huyện lựa chọn 1 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Tuy nhiên mỗi tỉnh có số lượng huyện khác nhau, đề xuất mỗi tỉnh lựa chọn ít nhất là 1 huyện và không quá 30% số huyện của tỉnh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp.
Hoàng Gia (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc