Ngày 10/10, đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang cùng các ông, bà ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang đã có buổi giám sát các sở, ngành về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2024. Cùng tham gia giám sát có đồng chí Hoàng Văn Vịnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu tại buổi giám sát |
Giai đoạn 2021 - 2024, các sở, ngành đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, hướng dẫn và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm. Cụ thể: tổ chức tuyển sinh và đào tạo được 45.697 người, đạt 118% kế hoạch; hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho 32.833 người; các chính sách học bổng và hỗ trợ tài chínhm cho học sinh, sinh viên, người lao động được thực hiện đúng quy định; đa số học sinh, sinh viên, người lao động sau khi tốt nghiệp hoặc quá đào tạo được tiếp cận với thị trường lao động phù hợp; đã giải quyết việc làm cho 95.575 lao động, đạt trên 112% chỉ tiêu giao. Qua đó góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững của Hà Giang. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm vẫn còn một số tồn tại như: nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề còn hạn hẹp; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhưng chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu thị trường; đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh thảo luận tại buổi giám sát về nâng cao chất lượng nguồn lao động. |
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn giám sát đã gợi mở một số nội dung đề nghị các sở, ngành làm rõ thêm về những tồn tại trong quy định của pháp luật cũng như trong quá trình thực hiện các chính sách về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm của địa phương như: việc thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề; công tác quản lý, nắm bắt người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và ngoài tỉnh. Lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời làm rõ hơn các ý kiến mà thành viên đoàn giám sát nêu. Đồng thời kiến nghị tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ người lao động Hà Giang theo Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh; Trung ương xem xét ban hành văn bản quy định danh mục nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo để các doanh nghiệp có căn cứ triển khai thực hiện. Tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông như hiện nay; bổ sung trung tâm GDNN-GDTX là đối tượng thụ hưởng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung nguồn Quỹ quốc gia về việc làm hỗ trợ các tỉnh nghèo để cho vay tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm.
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đề nghị các sở, ngành tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; đánh giá chính xác hiệu quả các chính sách hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn; rà soát, xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp sát với thực tế phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tổ chức đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Đối với các kiến nghị, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang tiếp thu và sẽ tổng hợp trong báo cáo giám sát, trình Quốc hội xem xét, giải quyết phù hợp./.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc