Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Xín Mần: Hội thảo kỹ thuật nhiệm vụ khảo sát đánh giá diễn biến trượt lở trung tâm thị trấn Cốc Pài và nguy cơ trượt lở khu tái định cư Súng Sảng

13:01, 03/10/2024

Sáng ngày 2/10, UBND huyện Xín Mần tổ chức Hội thảo kỹ thuật nhiệm vụ khảo sát đánh giá diễn biến trượt lở trung tâm thị trấn Cốc Pài và nguy cơ trượt lở khu tái định cư Súng Sảng. Dự hội thảo có Tiến sĩ Lại Hợp Phòng - Phó Viện trưởng Viện Địa chất; Tiến sĩ Đỗ Ngọc Ánh - Phó Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo.

Đề tài “Nghiên cứu đánh giá và dự báo chi tiết hiện tượng trượt lở và xây dựng giải pháp phòng chống cho thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang” do Viện Địa chất và Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo thực hiện

Trên cơ sở khoa học của đề tài “Nghiên cứu đánh giá và dự báo chi tiết hiện tượng trượt lở và xây dựng giải pháp phòng chống cho thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang” do Viện Địa chất và Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo thực hiện đã chỉ ra những yếu tố phù hợp quyết định quá trình trượt lở tại khu vực trung tâm thị trấn Cốc Pài, bao gồm: Độ dốc sườn, thạch học công trình, chiều dày vỏ phong hoá, mật độ nứt nẻ của đất đá, mật độ điểm trượt. Báo cáo kết quả khảo sát đã tiến hành đánh giá ở mức độ sơ bộ thông qua công tác kiểm đếm số lượng công trình xây dựng và chiều dài của đường giao thông chính phân bố trong phạm vi diện tích các cấp nguy cơ trượt lở đã được xác định theo bản đồ nguy cơ trượt lở tại khu vực Trung tâm thị trấn Cốc Pài. Tổng số công trình xây dựng được xác định là 1.704 công trình, tổng chiều dài các tuyến giao thông chính là 24,87km. Theo đó, phạm vi nguy cơ trượt lở rất cao tương ứng với tỷ lệ 24,2% trên tổng số công trình xây dựng và 32,1% trên tổng chiều dài đường giao thông chính phân bố trong phạm vi nghiên cứu. Kết quả phân cấp mức độ nguy cơ trượt lở tính theo tỷ lệ phần trăm (%) có sự biến đổi từ năm 2010 đến 2020 và 2023 như sau: Diện tích mức độ nguy cơ rất cao và cao tăng trung bình khoảng 5,74% theo các năm tính toán, từ 46,4% (2010) tăng lên 52,07% (2020) và đạt 57,87% (2023).

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo
 

Từ việc các nhận định nguyên nhân, cơ chế và thời gian phát sinh trượt lở thấy rằng các giải pháp công trình nên tập trung giải quyết vấn đề là: Thu thoát nước mưa, hạn chế nước mưa thấm sâu xuống bề mặt vỏ phong hóa; Gia cường sức chống cắt của đất đá thông qua biện pháp kết hợp tường chắn - cọc chống trượt - khối phản áp; Hạ thấp mực nước dưới đất (nước ngầm) để giảm thiểu vùng bão hòa ở vỏ phong hóa; Trồng rừng phía trên đỉnh khối trượt và trồng cỏ vetiver trên bề mặt khối trượt. Từ đó đề xuất một số giải pháp ứng phó phòng ngừa đối với trượt lở như: Xây dựng hệ thống neo an ke và treo lưới thép bao phủ toàn bộ khu vực vách đá có nguy cơ tách khối và lở xuống; Không tiến hành xây dựng thêm nhà cửa, trường học và các công trình xây dựng dân dụng trong khu vực xuất hiện hiện tượng xói lở bề mặt; Bố trí hệ thống tiêu thoát nước ngầm để hạ thấp mực nước ngầm; Xây dựng các rãnh thoát nước mặt trên đường giao thông, thu nước về các cống thoát nước; Xây dựng hệ thống cọc nhồi đường kính D600 gồm 2 hàng bố trí trên khối trượt, hệ thống này sẽ có nhiệm vụ chặn sự dịch chuyển của khối trượt đảm bảo an toàn cho các khu vực phía dưới…

Thúy Hậu (Xín Mần)


Ý kiến bạn đọc