Ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2025. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Vương Ngọc Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Các đại biểu dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2025 tại điểm cầu Hà Giang |
Năm 2024, toàn Ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ với chủ đề công tác năm: “Tận tụy - Chuyên nghiệp - Tinh thông - Hiện đại - Đoàn kết - Kỷ cương - Tăng tốc về đích”. Trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.175 huy chương quốc tế. Du lịch đạt được những con số rất ấn tượng với 17,2 - 17,5 triệu lượt khách quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch năm 2024 ước đạt 840 nghìn tỷ đồng. Công tác văn hóa đối ngoại có nhiều điểm sáng, nhiều hoạt động, sự kiện giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá, thể thao và du lịch được tổ chức thành công, góp phần quảng bá hình ảnh và củng cố vị thế quốc tế của đất nước...
Đối với tỉnh Hà Giang: Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá được chú trọng. Tỉnh đã tổ chức kiểm kê nhận diện được 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể; 30 di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng các cấp. Giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Triển khai các giải pháp bảo tồn 16 Làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn. Năm 2024, Hà Giang đón trên 3,2 triệu lượt du khách, tổng thu từ du lịch đạt trên 8.100 tỷ đồng. Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở cũng từng bước được quan tâm đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch cần phát huy tính tự lập, tự chủ, tự cường, phát huy truyền thống của ngành để phát triển, phản ứng kịp thời khi có chính sách mới. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, xây dựng được con người có trách nhiệm, có nhiệt huyết với ngành, nhất là người đứng đầu. Chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam hóa được giá trị văn hóa, tinh hoa văn hóa với thế giới. Làm thế nào để người dân được hưởng thụ thành quả của ngành văn hóa thỏa đáng nhất. Trong thời gian tới, cần quyết tâm thực hiện tinh gọn bộ máy. Tăng cường sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Bỏ tư duy không cản được thì cấm. Phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch toàn diện hơn. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó cần có cơ chế, chính sách đặc thủ phát triển năng khiếu từ sớm, giữ được nhân tài. Khuyến khích được cán bộ dám nghĩ, dám làm. Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, khai thác được trí tuệ thông minh. Xây dựng điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình tốt để tạo ra xu thế, phong trào phát triển. Du lịch cần tạo ra động lực, cảm hứng. Toàn ngành phải tăng tốc, bứt phá, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nghĩ xa, trông rộng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đã đề ra.
Hồng Duyên - Tuấn Đạt
Ý kiến bạn đọc