Đảng cộng sản Việt Nam ra đời khi đất nước chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Từ đó, qua 95 năm trưởng thành và phát triển, Đảng là ngọn cờ hiệu triệu và lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên giành độc lập, đánh đuổi “hai đế quốc to”, kiên định và sáng tạo tiến hành sự nghiệp đổi mới để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Yếu tố cốt lõi nhất đó là Đảng đã khơi dậy được sức mạnh của khối đại đoàn kết, sức mạnh dân tộc Việt Nam kết hợp với xu thế thời đại. Làm được điều vĩ đại này là nhờ Đảng đã được dân tin, dân xem Đảng là của mình, là “Đảng ta” và một lòng đi theo Đảng.
Từ niềm tin vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà vào ngày 03/02/1930 ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã tự nguyện cùng nhau thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Trước đó đã có những bậc tiền bối tìm đường cứu nước nhưng không thành. Chỉ có Nguyễn Ái Quốc tìm ra được con đường đó, con đường giải phóng dân tộc khỏi áp bức nô lệ, mà chìa khóa là chủ nghĩa Mác-Lênin. Người đã nói với các đồng chí của mình khi đọc được “Luận Cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin tôi reo lên khi tìm thấy ở đó thực sự là con đường để giải phóng dân tộc. Rồi cùng với thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã vạch ra con đường cho cách mạng Việt Nam: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng đi lên xã hội cộng sản”.
Chính Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá và mang đến niềm tin cho các chiến sĩ cách mạng, tiêu biểu như các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phòng, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… và các đồng chí thuộc thế hệ thành lập Đảng. Họ thực sự là những tấm gương sáng ngời bởi lòng yêu nước và ý chí cách mạng, là ngọn cờ tập hợp quần chúng. Trước bao hy sinh gian khổ họ vẫn “giữ vững chí khí chiến đấu” và tin tưởng vào sự tất thắng của cách mạng.
Phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh bị địch đàn áp dã man, nhưng quần chúng vẫn một lòng theo Đảng. Khi phát xít Đức, Ý, Nhật đánh vào Liên Xô, thì vào tháng 2/1941 Nguyễn Ái Quốc về nước. Người triệu tập và trực tiếp chủ trì Hội nghị TW8 (khóa I) vào tháng 5/1941. Hội nghị nhận định bọn phát xít sẽ thất bại, cần phải thay đổi mục tiêu đấu tranh, tất cả tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm gác chủ trương về ruộng đất. Mục tiêu đó phản ánh nhãn quan chính trị và tầm nhìn chiến lược nhạy bén phù hợp với thực tiễn nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nhờ vậy mà dù chỉ có gần 5000 đảng viên mà Đảng đã vận đồng và tạo được niềm tin cho toàn dân tộc để nhanh chóng thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân chớp thời cơ đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Sau khi giành được chính quyền thực dân Pháp trở lại xâm lược, trước tình cảnh nạn đói và thù trong, giặc ngoài, nguy cơ sống còn của cách mạng như “treo đầu sợi tóc”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn quốc đứng lên kháng chiến. Lời kêu gọi đã được toàn dân hưởng ứng nhiệt liệt, trong đó có các nhà trí thức, nhà khoa học nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng…, hay những quan lại Triều đình Huế như Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe… cùng đứng vào hàng ngũ Việt Minh.
Thực hiện phương châm: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến”, với niềm tin vào Đảng và Bác Hồ mà cả dân tộc đứng lên quyết tâm kháng chiến và đã giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu, buộc thực dân Pháp phải rút quân về nước.
Đánh thắng Pháp nhưng đất nước vẫn còn phải chia làm hai miền. Ở miền Nam chính quyền Ngô Đình Diệm dồn dân vào ấp chiến lược, chúng đề ra luật 10/59 lê máy chém đi khắp nơi, nhưng đồng bào miền Nam hướng ra miền Bắc với niềm tin tuyệt đối vào Đảng và Bác Hồ quyết tâm đồng khởi. Khi giặc Mỹ kéo vào miền Nam và đánh phá miền Bắc, hầu như cả thế giới lo ngại, bạn bè khuyên can nhưng với quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi, cả nước xung trận theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Niềm tin đó đã thúc giục toàn dân tộc đồng lòng, tạo nên sức mạnh vô biên lập nên chiến công dòn dã ở hai miền, dẫn tới đại thắng mùa Xuân năm 1975 đuổi hết quân xâm lược Mỹ về nước, lật đổ chế độ ngụy quyền, giang sơn thu về một mối, nước Việt Nam thống nhất và tiến lên xây dựng CNXH.
Đất nước lại bước vào giai đoạn mới, vừa khôi phục hậu quả chiến tranh, phải đương đầu với cuộc chiến ở hai đầu biên giới, lại bị bao vây cấm vận, rồi Liên Xô và phe XHCN tan rã… Trước tình thế đó xuất hiện nhiều trào lưu chống phá, họ lên án Đảng, lên án chế độ; đòi “đa nguyên, đa đảng” gây hoang mang dao động từ trong nội bộ ra ngoài quần chúng Nhân dân. Nhưng với niềm tin vào đường lối, chủ trương của Đảng; tin vào sự vững vàng, từng trải và phẩm chất liêm chính của những cốt cán trung kiên như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyễn Giáp, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt…; toàn Đảng huy động được sức mạnh toàn dân đã xốc lại hành trang, tiến hành công cuộc đổi mới chưa có tiền lệ để thích ứng và phát triển.
Từ đói nghèo, trước bao nhiêu khó khăn và trở lực; sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn. Đó là từ một nền kinh tế đứng ở tốp cuối, với GDP tăng hơn gấp 40 lần đã vươn lên tốp 5 các nước Đông Nam Á; có quy mô kinh tế tốp 35 và tốp 6 công nghệ trên thị trường 1000 tỷ USD của thế giới; có quan hệ với 194 quốc gia; tốp 10 về quốc gia thân thiện; đời sống Nhân dân ổn định và ngày được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo từ 58% xuống 1,9%; văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ phát triển; an ninh quốc phòng được giữ vững, chính trị ổn định; hội nhập quốc tế với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa mang lại hiệu quả thiết thực; đất nước đang vươn mình “sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”.
Đón xuân, bước vào năm mới 2025 và kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng quang vinh nhìn lại quá trình ra đời, trưởng thành và phát triển, dân tộc Việt Nam rất đỗi tự hào với Đảng ta và Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ một dân tộc bị áp bức nô lệ, không tên tuổi Việt Nam đã đứng lên, vượt qua bao nhiêu gian nan thử thách và vấp váp để chiến thắng và phát triển, có tầm vóc và cơ ngơi mang tầm thời đại. Đạt được thành tựu vĩ đại này có nhiều nguyên nhân, nhưng quyết định nhất đó là niềm tin của toàn dân tộc vào Đảng cộng sản Việt Nam. Niềm tin đó có được từ đường lối cách mạng đúng đắn, từ kết quả mà cách mạng mang lại, từ tấm gương cống hiến và hy sinh của các chiến sĩ cách mạng, các thế hệ cán bộ, đảng viên, các anh hùng liệt sĩ; họ đã vô tư, trong sáng một lòng vì Đảng vì Dân vì Tổ quốc không màng danh lợi… Chính nhờ đó mà Đảng đã trở thành ngọn cờ để dân tự giác, tự nguyện đi theo; cũng nhờ đó đã huy động được sức mạnh to lớn và toàn diện của cả dân tộc. Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng và tiến hành Đại hội Đảng các cấp cần nghiêm túc đánh giá đúng mức thực trạng của niềm tin hiện nay và cần có những giải pháp thiết thực để phát huy, bổ cứu. Cần giáo dục cho toàn Đảng toàn dân kiên định con đường đã chọn, phát huy những thành tựu đã đạt được, nắm bắt thời cơ bước vào kỷ nguyên mới, phấn đấu với mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cán bộ, đảng viên ghi nhớ lời căn dặn của Bac Hồ: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quyét sạch chủ nghĩa cá nhân”, phải thực sự “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, nhằm: “Củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Niềm tin vào Đảng đã đi vào lòng dân trong suốt quá trình cách mạng cần được tiếp tục củng cố, bồi đắp và nâng cao, vì đó chính là sức mạnh và tài sản vô giá của Đảng ta.
TS. Đặng Duy Báu
Ý kiến bạn đọc