Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND năm 2015, để thực hiện quyền vận động bầu cử của những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026; đồng thời để cử tri và Nhân dân nghiên cứu, xem xét lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tham gia vào Quốc hội; Đài PTTH đăng giới thiệu về Chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH khóa XV, ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Hà Giang:
Ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang |
Được giới thiệu ứng cử vào ĐBQH là niềm vinh dự lớn đối với tôi. Tôi nguyện thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua các cuộc đi nghiên cứu, kiểm tra, khảo sát cơ sở; tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân để tổng hợp, phản ánh trung thực, kịp thời với Quốc hội những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân tỉnh nhà, giúp Quốc hội ban hành những chủ trương, quyết sách kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH ở các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bào dân tộc miền núi, trong đó có tỉnh Hà Giang, nhất là các chính sách, chủ trương liên quan đến xóa đói, giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn miền núi, đến đời sống trực tiếp của người nông dân. Tôi sẽ cố gắng phát huy hết năng lực của mình để với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, tôi sẽ cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII; hàng quý, năm ban hành chương trình công tác trọng tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị của tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu xây dựng Hà Giang đạt mục tiêu là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có KT-XH phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có KT-XH trung bình khá của cả nước. Tôi sẽ cố gắng với quyết tâm cao nhất cùng tập thể lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá và các giải pháp như sau:
1. Về nhiệm vụ trọng tâm
- Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố khối đoàn kết các dân tộc; tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng các chính sách phát triển KT-XH.
- Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế; huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH.
- Tập trung phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; xây dựng con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế.
- Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ các cấp, nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Xây dụng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu cao; tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.
- Thực hiện tốt chính sách xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, chăm lo đời sống nhân dân; nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
2. Về các đột phá.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
- Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
- Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
3. Về các giải pháp tổ chức thực hiện
3.1. Phát triển kinh tế
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hợp lý giữa phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao hiệu quả đầu tư công; thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH, nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm kết nối liên vùng, kết nối với các cửa khẩu, lối mở. Quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch vùng, tỉnh, huyện; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trung tâm các huyện, khu trung tâm các xã, thị trấn. Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao: Quan tâm, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã, các làng nghề phát triển bền vững. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh sản xuất, chế biến các sản phẩm đặc thù, có thế mạnh của tỉnh. Bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng kinh tế, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Xây dựng nông thôn mới theo hướng phù hợp với địa hình đồi núi, bền vững.
Phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ; phát huy kinh tế biên mậu: Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản phẩm du lịch. Xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Cơ cấu lại và phát triển các ngành công nghiệp: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản; thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp. Quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả các dự án khoáng sản, thủy điện. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên. Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, ưu tiên các lĩnh vực: Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, dược liệu; thương mại, dịch vụ, du lịch; bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu v,v...
3.2. Phát triển văn hóa - xã hội
Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất các trường, lớp học. Thực hiện có hiệu quả việc truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, giáo dục kỹ năng sống, lịch sử địa phương. Củng cố, nâng cao chất lượng xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục bậc học mầm non, tiểu học gắn với học tiếng phổ thông, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài. Thành lập các trường dân tộc nội trú 3 cấp tại các huyện có điều kiện, thành lập phân hiệu Đại học Thái nguyên tại Hà Giang. Phát triển y tế, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân: Nâng cao trách nhiệm và y đức của đội ngũ cán bộ y tế, liên kết với các bệnh viện tuyến Trung ương để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với củng cố mạng lưới y tế tuyến cơ sở; cải thiện chất lượng dân số, thể trạng tầm vóc con người, chất lượng các dịch vụ y tế, ứng dụng công nghệ trong việc chẩn đoán, điều trị. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc: Xây dựng nền văn hóa và con người các dân tộc Hà Giang phát triển toàn diện. Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững: Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2030 và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Huy động nguồn lực đảm bảo công tác an sinh xã hội, cứu trợ nhân đạo, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, người nghèo biên giới.
3.3. Đảm bảo quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác đối ngoại
Giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; quản lý, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và các đối tác đã thiết lập đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
3.4. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khóa XII; đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với 8 lời căn dặn của Bác. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới phương thức tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu sổ, cán bộ nữ, cán bộ trẻ; coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc.
Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, công khai kết quả xử lý. Các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, và toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp; nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp đảm bảo sâu sát, cụ thể, quyết liệt và hiệu quả.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân vận, dân tộc trong tình hình mới.
Nếu trúng cử ĐBQH khóa XV, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, tôi cam kết thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo Chương trình hành động cá nhân đã đề ra.
Trên đây là Chương trình hành động cá nhân của ứng cử viên ĐBQH khóa XV.
Ý kiến bạn đọc