Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội làm việc với tỉnh Hà Giang

19:45, 14/01/2022

Ngày 14/01, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội khóa XV do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội làm Trưởng đoàn cùng các thành viên đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về việc thực hiện chính sách pháp luật trên các lĩnh vực Văn hoá, Thể thao, Du lịch; Tín ngưỡng - Tôn giáo, Giáo dục - Đào tạo, thông tin - Truyền thông, Thanh niên và trẻ em. Làm việc với Đoàn giám sát về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lý Thị Lan, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội làm việc với tỉnh Hà Giang

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo của UBND tỉnh và đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực giám sát cho thấy: Mặc dù là tỉnh khó khăn, nhưng trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh đoàn kết để từng bước phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm QP-AN. Công tác giáo dục, đào tạo được quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng; mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố. Chú trọng rèn luyện nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống, truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc, giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản địa chất được quan tâm. Các hoạt động thể dục, thể thao, phong trào được tổ chức thường xuyên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động du lịch có bước phát triển. Nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân trên địa bàn tỉnh được đáp ứng. Hoạt động xuất bản, phát hành ấn phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Giang phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục giám sát tại tỉnh.

Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát Quốc hội đề nghị tỉnh quan tâm thêm một số nội dung: Khó khăn sau khi thực hiện sáp nhập điểm trường về trường chính; đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; phát triển hệ thống thư viện trong trường học, trang bị hệ thống đầu sách phong phú, góp phần phát triển văn hóa đọc; chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn; Đẩy mạnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; khai thác, xây dựng bản sắc văn hóa Hà Giang trong dòng chảy chung của Văn hóa Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi giám sát.

   Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát đóng góp cho Hà Giang. Đồng thời làm rõ thêm những nội dung mà đoàn giám sát quan tâm. Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định thêm: Tỉnh Hà Giang đã kịp thời ban hành nhiều chính sách đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo, tín ngưỡng, tôn giáo... Đặc biệt, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình để cụ thể hóa 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong đó, có nhiều quyết sách quan trọng nhằm tạo đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, có các chính sách để thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) để giúp nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ; công tác thông tin, tuyên truyền và chuyển đổi số được thực hiện bài bản... Đây là nền tảng để Hà Giang tiếp tục phát huy trong phát triển KT-XH, xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch vững mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng báo cáo ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về việc thực hiện chính sách pháp luật mà Ủy ban phụ trách tại tỉnh Hà Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Ngay sau đợt giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của tỉnh Hà Giang trong phát triển KTXH, giữ vững biên cương Tổ quốc. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hà Giang có cách làm linh hoạt, sáng tạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực Văn hoá, Thể thao, Du lịch; Tín ngưỡng - Tôn giáo, Giáo dục - Đào tạo, thông tin - Truyền thông, Thanh niên và trẻ em phù hợp với thực tiễn địa phương. Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao kiến nghị của tỉnh và sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội./.

Đình Anh


Ý kiến bạn đọc