Ngày 02/3 Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và xin tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có các đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang và đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch quốc gia
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 119 ngày 27/9/2021, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương rà soát, xây dựng và bám sát thực hiện theo lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể đối với từng giai đoạn triển khai công tác quy hoạch. Hiện có 6 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, Quy hoạch tổng thể hệ phát triển hệ thống cảng biển quốc gia; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Các bộ, ngành, địa phương từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới, đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ trong cả nước. Dự thảo Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng bám sát Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 của đất nước. Báo cáo định hướng Quy hoạch được xin kiến các chuyên gia quy hoạch, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành T.Ư và địa phương, một số tổ chức quốc tế và tham khảo kinh nghiệm về lập quy hoạch không gian của một số quốc gia.
Toàn cảnh hội nghị ( Ảnh: Nguồn Internet) |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại Hội nghị( Ảnh: Nguồn Internet) |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022, vì vậy người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục phối hợp, tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng tốt nhất; nâng cao hơn nữa tầm quan trọng, vai trò, vị trí công tác quy hoạch trong phát triển của ngành, địa phương. Các quy hoạch phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh, phát huy lợi thế cạnh tranh, chỉ rõ hạn chế khó khăn, vướng mắc, đề xuất được các cơ chế, chính sách và giải pháp cho phát triển của các ngành, địa phương, vùng kinh tế; bám sát thực tiễn, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lấy sự tự lực, tự cường, độc lập tự chủ của quốc gia, dân tộc làm nội lực, gắn với sự hội nhập, kết hợp hài hòa các nguồn lực làm ngoại lực thúc đẩy. Việc lập quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển phát triển KT-XH 10 năm của đất nước, tình hình thực tế của các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường giám sát, đôn đốc, kiểm tra, công khai, minh bạch trong thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ cho công tác lập các quy hoạch… Đối với Báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, cần đánh giá sâu hơn tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng kinh tế; chỉ ra thêm động lực mới cho các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên… Định hướng được cơ chế, chính sách cho những vùng khó khăn, yếu tố văn hóa, xã hội, an sinh xã hội. Kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa các quy hoạch địa phương, vùng và quốc gia./.
Đình Anh- Văn Bính
Ý kiến bạn đọc