Sau 19 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra và họp phiên bế mạc vào chiều 16/6. Phiên bế mạc được phát thanh và truyền hình trực tiếp.
Các đại biểu dự phiên bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Tiếp đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Sau đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Sau khi hoàn tất các nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có phát biểu bế mạc kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình triển khai và kết quả phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, NSNN những tháng đầu năm 2022.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 và yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm trong lập, chấp hành, kế toán và quyết toán NSNN, trong quản lý, sử dụng NSNN và tài sản công.
Về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 5 luật và các nghị quyết, góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ; phát triển thị trường bảo hiểm; xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tạo động lực mới trong công tác thi đua khen thưởng; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân; phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Việc thông qua các luật, nghị quyết với sự thống nhất, tập trung cao là thành quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, với sự phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là bài học quý để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội.
Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 6 dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Dầu khí (sửa đổi); tập trung vào nguyên tắc, mục tiêu, những quan điểm lớn, chính sách quan trọng; phân tích thấu đáo các tác động của chính sách và các nội dung cụ thể của các điều, khoản trong từng dự án luật. Đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, trình dự án và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, bảo đảm chất lượng cao nhất của dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp sau.
Nguồn: Chính phủ
Ý kiến bạn đọc