Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

19:41, 03/06/2022

Chiều 3.6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Tại tổ 8, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chủ trì thảo luận. 

Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chủ trì thảo luận
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chủ trì thảo luận
Các đại biểu thảo luận tại tổ
Các đại biểu thảo luận tại tổ

Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang khẳng định: Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế, cho quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện và thúc đẩy sự phát triển thông tin vô tuyến điện. Tuy nhiên, sau gần 13 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị: Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 18 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 dự thảo đang quy định chưa rõ ràng, khó hiểu. Vì vậy đề nghị ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa lại nội dung trên bằng việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.

Tại Khoản 5, Điều 18 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 dự thảo quy định nội dung: “Bộ Thông tin và Truyền thông công bố băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều này được đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ”; đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét việc băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định, không nên quy định cho Bộ Thông tin và Truyền thông như trong dự thảo Luật, nhằm đảm bảo tính trách nhiệm, chặt chẽ và tương xứng với thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện Quốc gia.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định tham gia thảo luận
Đại biểu Hoàng Ngọc Định tham gia thảo luận

Tại Điểm c, Khoản 6, Điều 20 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 dự thảo quy định chưa rõ ràng, cần phải quy định rõ mức độ vi phạm nào có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong giấy phép sử dụng băng tần và mức độ vi phạm nào thì bị thu hồi giấy phép sử dụng băng tần. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung cho bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về vi phạm hành chính. Đồng thời đề nghị làm rõ quy định “… Nhà nước không có trách nhiệm hoàn trả các khoản tài chính mà tổ chức, doanh nghiệp đã nộp khi cấp phép” là hình thức quản lý nhà nước hay là biện pháp xử lý vi phạm hành chính và dựa trên cơ sở pháp lý nào? Cần quy định cụ thể trong dự thảo luật các khoản tài chính nêu trên.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh tham gia thảo luận
Đại biểu Phạm Thúy Chinh tham gia thảo luận

Tại khoản 1, Điều 20a cấp lại giấy phép sử dụng băng tần được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, Điều 1 dự thảo Luật quy định: "Trong thời hạn 3 năm trước ngày giấy phép sử dụng băng tần hết hạn, tổ chức có nhu cầu được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xem xét được cấp lại giấy phép". Đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ căn cứ về quy định thời hạn 3 năm, xem xét điều chỉnh nâng lên 5 năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong phương án kinh doanh, giảm thiểu rủi ro về đầu tư hạ tầng.

Đối với Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Định và Phạm Thúy Chinh cho rằng: Những năm qua Luật Dầu khí đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển KT-XH của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập; một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác… Do đó việc sửa đổi Luật Dầu khí là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Các đại biểu đề nghị: Tại Điều 1 dự thảo, cơ quan soạn thảo không cần thiết tách ra hai khái niệm là “điều tra cơ bản về dầu khí” và “hoạt động dầu khí’’ mà nên quy định rõ ràng, cụ thể và mạch lạc chuỗi các hoạt động dầu khí để thuận tiện cho quá trình áp dụng và tổ chức thực hiện do tại Luật còn điều chỉnh nhiều nội dung khác.

Điều 8 dự thảo quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có 6 hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến hoạt động dầu khí. Để dự liệu trước được các hành vi khác nữa, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung cho phù hợp. Tại Khoản 1, Điều 15 dự thảo quy định đối với tổ chức có đăng ký thành lập, hoạt động được cấp theo quy định pháp luật của quốc gia bên dự thầu; đối với cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của quốc gia mà cá nhân đó là công dân. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là điều chỉnh trên lãnh thổ Việt Nam nên phải tuân thủ theo pháp luật của nước sở tại.

Đối với quy định lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại dự thảo luật không có sự thống nhất giữa quy định tại Điều 14 và Điều 20. Đồng thời quy định  này mang tính không minh bạch trong việc xác định như thế nào là trường hợp đặc biệt khi xuất hiện các điều kiện đặc thù? Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung này cho phù hợp để bảo đảm tính minh bạch trong quy định của pháp luật. Tại Điều 27 dự thảo luật quy định về ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo luật lại quy định việc giải quyết tranh chấp hợp đồng do các bên tự thỏa thuận. Như vậy, có sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định tại cùng một nội dung. Mặt khác, Điều 27 dự thảo Luật chỉ quy định về ngôn ngữ hợp đồng dầu khí nên việc quy định việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tại khoản 2 hiện nay là không thống nhất. Đề nghị cơ quan soạn thảo điều chuyển nội dung quy định sử dụng ngôn ngữ trong giải quyết tranh chấp hợp đồng vào Điều 30 và điều chỉnh nội dung cho thống nhất với quy định tại Điều 27 dự thảo Luật.

Tại khoản 2, Điều 57 dự thảo quy định: “Chính phủ ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết hoặc các biện pháp thi hành Luật này trong phạm vi thẩm quyền được giao”. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bỏ cụm từ “đầy đủ”, như vậy vẫn đảm bảo không thay đổi ý nghĩa của câu, đồng thời cũng thể hiện được trách nhiệm của Chính phủ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết hoặc các biện pháp thi hành Luật.

Nguồn: BHG


Ý kiến bạn đọc