Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 25/10, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang do đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang làm trưởng đoàn tham dự Kỳ họp và đã có phát biểu, đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận.
Quang cảnh phiên họp sáng 25/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA). Nguồn: Báo Nhân dân |
Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và nghe Nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH Hà Giang dự phiên thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) |
Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH ủng hộ việc tiếp tục duy trì, củng cố thanh tra huyện. Đồng thời kiến nghị tổ chức thanh tra chuyên ngành với các tiêu chí cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra. Tranh luận về quy định tổ chức thanh tra Sở, các ĐBQH tán thành với quy định trong dự thảo Luật phân cấp cho UBND tỉnh quyết định thành lập thanh tra Sở. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định ngay trong Luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập thanh tra Sở để tạo sự thống nhất chung trên toàn quốc; cần quy định rõ việc phối hợp xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luật về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). ảnh: Minh Đông (TTXVN) |
Đồng tình với ý kiến này, ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang Hoàng Ngọc Định đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm một nội dung về nhiệm vụ, cụ thể là thêm Điểm 6: Yêu cầu cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện xem xét trách nhiệm chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm do thanh tra Sở phát hiện. Điều này không chỉ đạt được mục đích trong hoạt động thanh tra theo quy định là phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật mà còn kịp thời kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tìm biện pháp khắc phục, phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Đại biểu đề nghị tại khoản 1, Điều 33 dự thảo Luật bổ sung nội dung Chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với chức danh Chánh thanh tra sau khi có sự thống nhất với Chánh thanh tra tỉnh và bổ sung thực hiện đối với các chức danh Phó Chánh thanh tra để đảm bảo đầy đủ và tổ chức của Thanh tra huyện có Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra trực thuộc quản lý của UBND tỉnh, huyện. Cụ thể, khoản 1, Điều 33 được sửa như sau: “Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra huyện do Chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái. Riêng Chánh thanh tra huyện thì Chủ tịch UBND huyện thực hiện các nội dung trên sau khi thống nhất với Chánh thanh tra tỉnh.”
Đại biểu Hoàng Ngọc Định cũng đề nghị bổ sung thêm “cơ quan Bảo hiểm xã hội” vào khoản 4, điều 9 và bổ sung thêm 1 khoản vào điều 114 là: “Tổ chức, hoạt động và nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại cấp T.Ư và địa phương của cơ quan bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định”. Bởi theo Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Vì vậy cần nêu cụ thể tên “cơ quan bảo hiểm xã hội” và đưa vào nhóm các cơ quan đã có nhiệm vụ thanh tra tại khoản 4, Điều 9 để đảm bảo tính kế thừa, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ý kiến của ĐBQH đã phân tích sâu sắc, góp ý làm rõ thêm nhiều nội dung cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 4./.
Tổng hợp: Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc