Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, ngày 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang do đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang làm trưởng đoàn tham dự Kỳ họp và đã có phát biểu, đóng góp ý kiến liên quan trực tiếp đến tỉnh Hà Giang tại phiên thảo luận.
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 28.10. Ảnh: Minh Đông (TTXVN) |
Phát biểu thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan bày tỏ đồng tình cao với nội dung báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Đại biểu cũng nêu ý kiến việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra; việc phân bổ triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đoàn ĐBQH Hà Giang dự phiên thảo luận. Ảnh: Trung Hiếu (Báo Đại biểu Nhân dân) |
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan xin có 3 nội dung đề xuất như sau:
Một là: Về điều hành KT-XH những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, cử tri hết sức tin tưởng và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt, thận trọng, linh hoạt như trong giai đoạn vừa qua. Trong đó:
+ Quyết liệt triển khai, tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế vì kết quả của đầu tư công và gói phục hồi kinh tế sẽ đẩy nhanh tăng trưởng bền vững .
+ Tiếp tục thận trọng, linh hoạt kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ nhất là các biện pháp để kiểm soát và kiềm chế lạm phát, trong đó tập trung hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; mở rộng thị trường; đảm bảo nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, chi tiêu hợp lý…
Hai là: Về 3 Chương trình MTQG, do công tác triển khai, giao vốn năm 2022 rất muộn, làm ảnh hưởng tới công tác giải ngân không chỉ riêng tỉnh Hà Giang mà xảy ra ở hầu hết các địa phương. Trong điều kiện khó khăn và nhu cầu lớn về nguồn vốn đầu tư phát triển, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn của 3 Chương trình MTQG sang năm 2023. Đồng thời đề nghị không vì việc kéo dài này mà làm giảm đi số vốn của 3 Chương trình năm 2023 của các địa phương để đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu của 3 Chương trình giai đoạn 2022 - 2025.
Ba là: Trong năm qua, cử tri vùng miền núi và trung du Bắc Bộ rất vui mừng phấn khởi được Đảng, Chính phủ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, khởi công các tuyến đường cao tốc, tạo động lực cho việc kết nối phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế vùng. Nguyện vọng của cử tri mong muốn tiếp tục được chính phủ và các bộ ngành quan tâm có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để các chương trình đầu tư lồng ghép vào vùng miền núi, biên giới cùng với 3 Chương trình MTQG thực sự phát huy được hiệu quả và là sức bật cho các tỉnh miền núi, biên giới, trong đó được tập trung vào giải quyết 4 vấn đề sau:
Thứ nhất: Quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp hệ thống quốc lộ các tỉnh miền núi phía Bắc.
Các tuyến quốc lộ có tính chất kết nối các tỉnh, các tuyến cao tốc đã được xác định ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030. Như ở Hà Giang là Quốc lộ 4, 4C, 279, 34; các tuyến đường này được đầu tư xây dựng đã lâu, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp (cấp 5,6 miền núi) nhiều đoạn đường thường xuyên bị sạt lở, gây ách tắc giao thông về mùa mưa lũ và thường xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đề nghị Bộ giao thông vận tải quan tâm sửa chữa, nâng cấp hệ thống quốc lộ của các tỉnh miền núi phía Bắc từ cấp 5, 6 lên cấp 3, 4 miền núi để phát triển hệ thống giao thông chất lượng bền vững, kết nối vùng, tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, tiến tới thực hiện hệ thống giao thông các vùng các địa phương lân cận.
Thứ hai: Về các công trình điện nông thôn cho vùng sâu, vùng xa, biên giới miền núi và hải đảo (còn rất khó khăn, bất cập).
Nhiều thôn bản biên giới còn chưa có điện. Để đạt được mục tiêu 100% số thôn bản được sử dụng điện rất cần nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Hiện nay về trình tự, thủ tục điều chuyển công trình cấp điện được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho ngành điện quản lý đang gặp nhiều bất cập. Vì vậy, đề nghị chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Quy định số 41/2017/TTgCP quy định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý và giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện các công trình điện cho vùng cao, biên giới không tính yếu tố lợi nhuận để tất cả người dân vùng sâu miền núi và biên giới được sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững.
Thứ ba: Về tỷ lệ phủ sóng viễn thông vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Đối với các tỉnh miền núi, vùng cao biên giới như Hà Giang còn rất nhiều vùng lõm chưa được phủ sóng viễn thông và cáp quang Internet. Việc tiếp cận thông tin, công nghệ khu vực vùng sâu, biên giới còn nhiều bất cập và khó khăn trong khi phía bạn Trung Quốc phủ sóng tại khu vực biên giới mạnh và toàn diện, nhiều khu vực biên giới chỉ có sóng viễn thông của Trung Quốc. Theo dự báo tính toán, tỉnh Hà Giang nếu dựa vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và Chương trình Viễn thông công ích của Chính phủ thì ngân sách đầu tư công và ngân sách nhà nước không thể thực hiện được. Vì vậy đề xuất Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT thực hiện theo Chương trình Viễn thông công ích của Chính phủ để hỗ trợ các tỉnh miền núi, biên giới phát triển hạ tầng viễn thông ở những thôn đặc biệt khó khăn bằng nguồn lực của quỹ viễn thông công ích để không còn vùng trũng của viễn thông.
Thứ tư: Là địa phương có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc. Với mục tiêu đề án của Chính phủ xây dựng đường tuần tra biên giới. Tỉnh Hà Giang nhận thức rằng đây không chỉ là công trình để đảm bảo cho công tác tuần tra, kiểm soát chủ quyền an ninh biên giới mà còn kết hợp phục vụ dân sinh cho việc phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới trong tình hình hiện nay là thực sự cấp bách và cần thiết. Vì vậy cử tri tỉnh Hà Giang đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm sử dụng nguồn vượt thu ưu tiên đầu tư công trình đường tuần tra biên giới với quy mô công trình lưỡng dụng phục vụ cả phát triển KT-XH ở các tỉnh biên giới.
Tổng hợp: Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc