Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cả dân tộc ta lại rộn ràng niềm vui, niềm tự hào, phấn khởi với nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân. Trong thời khắc thiêng liêng ngập tràn hạnh phúc ấy, lòng chúng ta bồi hồi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, những ngày này, nhớ tới Bác, chúng ta không thể nào quên những vần thơ chúc Tết của Người. Xuân Quý Mão 2023 này là năm thứ 54 chúng ta không còn được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ.
Bác Hồ đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Cảnh vệ (Xuân Quý Mão 1963). Nguồn: internet
Xuân Bính Tuất năm 1946, lần đầu tiên, vào đêm giao thừa, trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhân dân ta được sống trong những giờ phút đặc biệt, háo hức, lắng nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, bài thơ “Chúc đồng bào” với những lời hân hoan, hào sảng mừng đất nước độc lập, tự do như một món quà tinh thần vô giá, được truyền đi khắp mọi miền của Tổ quốc, trở thành nguồn động viên, cổ vũ lớn lao đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước trong học tập, thi đua lao động, sản xuất và chiến đấu:
“Trong nǎm Bính Tuất mới,
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc mau thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi.
Việt Nam độc lập muôn nǎm!”
Kể từ đó trở thành thông lệ, cứ vào đêm Giao thừa, mọi người dân Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước đều hồi hộp chờ mong được nghe Bác đọc thơ chúc Tết.
Năm 1947, Bác làm bài thơ “Chúc năm mới Đinh Hợi”, trong đó có câu:
“Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”.
Tết Giáp Ngọ năm 1954, mặt trận Điện Biên Phủ đang vào giai đoạn quyết liệt để giành toàn thắng. Bác viết bài thơ chúc tết, có đoạn:
“Quân và dân ta nhất trí kết đoàn
Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công”.
Năm 1960 là năm có nhiều sự kiện chính trị đặc biệt. Trong thơ mừng xuân mới, Bác đã mở đầu bằng hai câu thơ:
“Mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh
Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ”.
Thư chúc Tết Mậu Thân cũng đã được Bác chuẩn bị từ vài tháng trước. Bài thơ gồm 4 câu thất ngôn tứ tuyệt:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Và xuân năm 1969:
"Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn".
Những bài thơ chúc Tết của Bác đã trở thành tài sản tinh thần văn hóa vô giá của dân tộc và sống mãi với non sông đất nước.
Không chỉ gửi thơ chúc Tết đến toàn dân, trong những ngày đầu tiên của năm mới, Bác thường đi thăm, chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Trước Tết 3 tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Với Bác, dù công việc vô cùng bận rộn, song Người luôn tranh thủ sắp xếp thời gian để đến thăm hỏi, chúc Tết đồng bào, đồng chí. Bác đến với mọi người trong ngày Tết bằng tất cả trái tim yêu thương, bằng tình cảm và sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất. Tình yêu thương con người của Bác mênh mông như biển cả, sâu thẳm như đại dương. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
Xuân về trên Cao nguyê đá Đồng Văn. Ảnh: nguồn internet |
Những câu chuyện Bác Hồ đến thăm người nghèo đêm Giao thừa là minh chứng tiêu biểu cho tình yêu thương con người của Bác, như một bài ca đẹp đi cùng tháng năm về tình yêu bao la của Bác Hồ. Tối Ba mươi Tết năm 1960, Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Chiều mùng hai Tết năm 1961, Bác đến Văn Miếu dự buổi bình thơ Xuân của các cụ. Mùng hai Tết năm 1962, Bác đến thăm các cháu học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Chiều 29 Tết năm 1963, Bác cải trang thành một cụ già theo cháu đi chợ hoa và chợ Đồng Xuân... Tất cả đều bí mật bất ngờ và do đó bao giờ cũng tạo hiệu quả lớn.
Như Tết năm 1960, nếu Bác chỉ đến thăm các gia đình theo chương trình của các cơ quan đã bố trí, thì làm sao Chủ tịch nước biết được gần đến giao thừa rồi mà chị Tín vẫn còn phải đi gánh nước thuê đổi gạo, để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đưa con của mình. Gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run cầm lấy bàn tay của Bác:
- Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm...
Chỉ nói được vậy, chị đã oà lên khóc nức nở.
Vị Chủ tịch nước đã an ủi chị:
- Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...
Cảnh nghèo của gia đình chị Tín đã phũ phàng hiện ra trước mắt Bác. Trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Đúng là "Ba mươi Tết mà không có Tết". Cách đây 15 năm, Tết độc lập đầu tiên, Bác đã đau lòng chứng kiến cảnh một gia đình "Tết mà không có Tết" ở ngõ hẻm Sinh Từ. Đó là khi đất nước mới thoát khỏi vòng nô lệ. Còn bây giờ, kháng chiến đã thắng lợi, hoà bình đã sáu năm, mà lại còn cái cảnh này sao? Không phải ở đâu xa mà ở ngay Thủ đô Hà Nội... Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng là no ấm, tươi vui... Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ. Vẻ đăm chiêu thoáng hiện trên gương mặt của Người. Bác đã từng tâm sự với các đồng chí phục vụ: "Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên". Những lời nói chân tình của Bác từ mùa xuân năm ấy như đang nhắn nhủ với chúng ta hôm nay. Câu chuyện ta thấy một tấm lòng vì nước, vì dân, khi người dân no ấm, hạnh phúc thì Bác vui, khi người dân nghèo khổ, cơm chưa đủ no, áo không đủ ấm thì Bác buồn. Đó cũng là tấm lòng của một con người vĩ đại. Đây cũng chính là một bài học lớn về đạo đức mà mỗi cán bộ chúng ta cần học tập.
Đất nước vào Xuân rộn ràng khí thế thi đua mừng Đảng ta thêm tuổi, mừng quê hương đổi mới đi lên. Đón Tết vui Xuân, chúng ta không nguôi nỗi nhớ Bác.
“Mùa xuân đất nước
Nhớ mãi Bác Hồ
Ta vẫn hằng mong lý tưởng của Người
Cho đất nước khải hoàn, mùa xuân mãi mãi” (*)
Đã hơn 50 mùa Xuân kể từ khi Bác đi xa, nhưng những bài thơ chúc tết, việc làm và lời căn dặn đầy tình cảm, trách nhiệm của Người vẫn lắng đọng trong tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như với từng người dân. Khắc sâu và thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các các cấp, các ngành, các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách; phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm … góp phần làm cho đất nước “càng ngày càng xuân” như tâm nguyện của Người.
(*) Lời thơ trong bài thơ Mùa xuân nhớ bác của một bài thơ của nữ sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội Phạm Thị Xuân Khải, được đăng lần đầu trên báo Tiền Phong ngày 25 tháng 3 năm 1986 và đăng lại lần hai vào ngày 28 tháng 3 năm 2006.
Đặng Ngọc Mai - Trường Chính trị tỉnh Hà Giang.
( Nguồn: Báo Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc