Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan thảo luận tại hội trường về Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia

14:45, 07/01/2023

Sáng 7.1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khóa XV họp tập trung tại hội trường thảo luận về Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau đó Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Tại phiên thảo luận, đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia góp ý một số nội dung. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu thảo luận của đồng chí.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cùng các ĐBQH tỉnh Hà Giang tại kỳ họp
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cùng các ĐBQH tỉnh Hà Giang tại kỳ họp

Kính thưa chủ tọa kỳ họp! kính thưa Quốc hội !

Qua nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được nghiên cứu bài bản, công phu, với 1 thời gian ngắn, khối lượng công việc lớn, Chính phủ đã sát sao quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành địa phương, tham vấn các chuyên gia đầu ngành, quy hoạch và tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về quy hoạch. Đây là công việc lần đầu tiên chúng ta làm, rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm, song rất quan trọng và cần thiết. Tôi cơ bản nhất trí với các đề xuất về quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển quốc gia trong thời kỳ Quy hoạch.

Do chưa có thời gian tiếp cận tài liệu nhiều, tuy nhiên xuất phát từ thực tiễn địa phương. Tôi thấy quy hoạch tổng thể quốc gia cần định hướng rõ hơn, cụ thể hơn một số nội dung sau:

 

1. Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, những vấn đề về: Chỉ tiêu, định hướng quy mô phát triển của các ngành kinh tế cơ bản như (công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp)... theo 6 vùng KT-XH (như một số chỉ tiêu: Quy mô nền kinh tế, cơ cấu kinh tế; diện tích, sản lượng của các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp; số lượng, diện tích các KCN; số lượng, quy mô của các TT logistic, TTTM cấp vùng...) cần được trình bày cụ thể hơn nữa, làm cơ sở các Quy hoạch vùng thiết lập cơ cấu phát triển kinh tế cho từng tỉnh.

2. Những vấn đề về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng mới chỉ nêu được thế mạnh ngành hàng & khu vực kinh tế theo vùng, nhưng chưa chỉ rõ quy mô ở cấp độ nào (quốc tế, khu vực, quốc gia, liên vùng, nội vùng) để xác định được mức độ/nhu cầu đầu tư, thu hút đầu tư tương ứng; Quy hoạch chưa chỉ ra cụ thể các hình thức liên kết kinh tế vùng trên khía cạnh tổ chức sản xuất, làm cơ sở để các Quy hoạch tỉnh lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, tránh tình trạng phát triển tương tự nhau, gần như theo cùng một hướng về cơ cấu kinh tế.

3. Đối với vấn đề Cụm liên kết ngành như: Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản xuất và chế biến gỗ, phát triển công nghiệp điện tử, du lịch, kinh tế qua biên giới, logistic, hành lang kinh tế dọc theo các trục giao thông… cũng cần được làm rõ về khái niệm, định hướng liên kết, định hướng vai trò, trách nhiệm dẫn dắt, lan tỏa... để các  tỉnh làm cơ sở luận giải được vị trí, vai trò & mối liên kết vùng của địa phương mình với Vùng, Quốc gia & Quốc tế. Qua đó giúp các địa phương tiếp cận các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Bộ chính trị về phương hướng phát triển kinh tế -  xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng

4. Trong Quy hoạch tỉnh cần cụ thể hóa danh mục các khu du lịch quốc gia trọng điểm; làm rõ nội hàm/ tiêu chí về đô thị du lịch, đô thị đại học, đô thị sáng tạo, đô thị kinh tế cửa khẩu và vấn đề tăng mật độ đô thị tại các địa bàn có điều kiện ở khu vực miền núi, trung du, ven biển.... trong nội dung về định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; để các Quy hoạch tỉnh làm cơ sở nghiên cứu, cụ thể hóa/thực hiện theo quy hoạch, đặc biệt đối với các tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ thường có tỉ lệ đô thị hóa thấp, các đô thị mang nặng tính chất của đô thị hành chính, các hoạt động kinh tế ở đô thị còn hạn chế.

5. Trong những năm qua, thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội tại các khu kinh tế (KKT), gồm có KKT ven biển, KKT cửa khẩu, đã mang lại những tác động tích cực và làm tăng vị thế của các tỉnh có KKT trong đó có Hà Giang. Quá trình phát triển các KKT đã tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương có KKT theo hướng phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, nội dung về định hướng phát triển và phân bố không gian các KKT không thấy đề cập, thiếu đi cơ sở để triển khai xây dựng & phát triển các KKT. Việc quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các khu kinh tế, khu công nghiệp luôn được Đảng, Chính phủ & các bộ ngành quan tâm, nhưng hiện trong dự án quan trọng quốc gia lại đang thiếu đi mục này, đề nghị xem xét bổ sung.

6.  Cần bổ sung định hướng phát triển hệ thống cửa  khẩu biên giới đất liền trong quy hoạch tổng thể quốc gia,  cần cụ thể hóa danh mục hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương các lối mở để địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện vì: Hệ thống cửa khẩu có vai trò rất quan trọng, kết nối giao thương với các nước có chung đường biên giới trên bộ và kết nối với các hành lang kinh tế trong khu vực và quốc tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới…

7. Nguồn nhân lực là nguồn lực cơ bản cho sự phát triển nhưng quy hoạch đề cập chưa cụ thể, rất cần có quy hoạch phát triển một cách chi tiết về quy mô nhân lực, chất lượng nhân lực của các ngành, các nghề phân theo các vùng, miền để phát huy và sử dụng nguồn nhân lực của đất nước một cách hiệu quả... nhất là khi Quy hoạch tổng thể quốc gia dự báo vùng Trung du miền núi Bắc bộ tiếp tục có tỷ lệ xuất cư cao do sức hút của vùng Đồng bằng sông Hồng.

8. Để thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia ngay sau khi được phê duyệt thì trong quy hoạch cần nghiên cứu đề xuất khung thể chế, pháp lý và quy định phù hợp để triển khai tổ chức thực hiện. Với việc lựa chọn ưu tiên phát triển không gian xung quanh một số vùng động lực, khu vực phát triển tối ưu, khu vực phát triển trọng điểm và hành lang kinh tế nhất định, quan trọng là chúng ta phải thực hiện một số điều chỉnh cần thiết kịp thời đối với thực trạng, khuôn khổ hiện nay bao gồm pháp lý, thể chế, nguồn lực ưu tiên thực hiện, ưu đãi và cơ chế đặc thù cho các khu chức năng chính quốc gia. Điều này sẽ giúp tăng cường phối hợp hiệu quả theo chiều dọc và chiều ngang cũng như đầu tư khu vực giữa trung ương và các địa phương, giữa các địa phương với nhau.

                Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Ý kiến bạn đọc