Như chúng tôi đã đưa tin, chiều 14.2, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng, đã tiến hành phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại đây, các nhà khoa học, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp vào quy hoạch tỉnh. Đặc biệt, Hội đồng thẩm định Quy hoạch đồng tình đề xuất của Hà Giang bổ sung vào Quy hoạch là nối dài tuyến cao tốc Hà Nội – Tuyên Quang – Hà Giang – Thanh Thủy và bổ sung quy hoạch Sân bay lưỡng dụng tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang. Đây là cơ hội để tỉnh Hà Giang hoàn thiện về hạ tầng giao thông và phát triển bền vững.
Phát triển hạ tầng giao thông, giúp Hà Giang phát triển bền vững
Toàn cảnh hội nghị |
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh: Việc lập quy hoạch tỉnh là nội dung rất quan trọng. Đây là căn cứ để tỉnh hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển. Đồng thời là tiền đề để Hà Giang thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn chậm phát triển từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, tỉnh xác định, tập trung vào 3 khâu đột phá đó là phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang- Hà Giang kết nối đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang. Để phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, cũng như kinh tế biên mậu của tỉnh.
Giáo sư Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân góp ý vào quy hoạch tỉnh |
Giáo sư Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định: Vai trò, vị trí của tỉnh Hà Giang rất quan trọng với quốc gia. Đặc biệt là về quốc phòng an ninh. Vì vậy, đầu tư cho Hà Giang chính là đầu tư cho quốc phòng an ninh. Hà Giang nằm giữa 2 trục hành lang kinh tế là Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc) và Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc). Đây chính là lợi thế của Hà Giang.
Tiến sỹ Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT đề xuất: Trong định hướng của Quy hoạch tỉnh cũng đã đề xuất về phát triển hạ tầng giao thông, nhưng cần nêu phương thức vận tải, giải pháp bảo vệ mạng lưới giao thông như thế nào.
Theo Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo – Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Phát triển kinh tế trong đó có kinh tế dịch vụ, du lịch thì giao thông rất quan trọng, đó là khó khăn của Hà Giang, do đó Giáo sư Nguyễn Văn Đính cũng rất đồng tình để Hà Giang phát triển hệ thống giao thông đường bộ và đường hàng không.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận tại hội nghị |
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh con người và văn hóa truyền thống chính là nguồn lực và động lực cốt lõi của tỉnh Hà Giang, nên tỉnh cần quan tâm trong quy hoạch. Đặc biệt, trong phát triển KT-XH tỉnh cần lựa chọn đi theo mô hình kinh tế xanh và tuần hoàn. Đối với các khu vực trọng yếu cần xác định đâu là động lực chính để ưu tiên đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng và các thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia |
Kết thúc Hội nghị, 28 thành viên hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có thêm 2 nội dung đó là kéo dài tuyến cao tốc Hà Nội – Tuyên Quang lên đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy và bổ sung quy hoạch Sân bay lưỡng dụng tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang. Như vậy, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ mở ra cơ hội lớn để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ và đường không, tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Giang phát triển./.
Hoài Nam
Ý kiến bạn đọc