Chiều ngày 19/6, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV thực hiện thảo luận tại tổ về các dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tham dự có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang cùng các ông, bà Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang. Đại biểu Tỉnh Hà Giang Hoàng Ngọc Định đã cho ý kiến vào dự thảo luật này.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu tại thảo luận tổ |
Tham gia ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng: Việc xây dựng ban hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã cơ bản khắc phục những tồn tại hạn chế, đảm bảo được sự phù hợp của pháp luật kinh doanh bất động sản trong tình hình thực tế hiện nay. Đại biểu nêu: Dự thảo Luật này lại tiếp tục đưa vào quy định bắt buộc phải giao dịch bất động sản qua sàn. Nếu quy định như vậy sẽ gây ra nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Một vấn đề nữa là chưa có lý do cụ thể để loại bỏ thủ tục công chứng bắt buộc đối với các giao dịch kinh doanh bất động sản trong khi đây là công cụ rất phố biến, được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới lựa chọn và ưu tiên sử dụng. Theo đại biểu, công chứng với tư cách là một dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện sẽ có mức độ bảo đảm về trách nhiệm cao hơn so với các sàn giao dịch bất động sản. Nhìn vào bản chất, sàn giao dịch bất động sản thiên về các dịch vụ mang tính chất môi giới, là cầu nối giữa bên bán và bên mua, còn công chứng thiên về việc bảo đảm an toàn pháp lý, sự công bằng và quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia giao dịch. Do vậy, không nên sử dụng sàn giao dịch bất động sản với ý nghĩa là để bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch bất động sản và ngược lại, công chứng không thể cung cấp các dịch vụ thay thế chức năng của sàn giao dịch bất động sản.
Xét về mặt lợi ích và mục đích hoạt động, sàn giao dịch bất động sản có xu hướng gắn kết và có mối liên hệ về lợi ích với các chủ đầu tư nhiều hơn là với người tiêu dùng. Do vậy, không thế đòi hỏi ở sàn yếu tố khách quan trong các hoạt động, đặc biệt khi các sàn trực tiếp góp vốn với chủ đầu tư để kiếm lời, hoặc làm đại lý bán hàng cho chủ đầu tư để hưởng chênh lệch giá. Công chứng thì hoàn toàn khác; thiết chế này sinh ra là đế đặt ở vị trí trung gian với nguyên tắc hoạt động sống còn là bảo đảm tính khách quan, tuyệt đối không nghiêng về lợi ích của bên nào. Đặt trong bối cảnh hệ thống pháp luật của Việt Nam, người tiêu dùng được xác định là bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng với chủ đầu tư thì công chứng là công cụ hữu hiệu và kinh tế nhất, mang tính khả thi nhất để bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế trong các giao dịch dân sự, bởi không phải ai cũng có đủ nhận thức và điều kiện về tài chính đế sẵn sàng mời luật sư hoặc các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp tham gia vào các giao dịch bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhỏ lẻ, giá trị ở mức vừa và nhỏ.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định cũng góp ý, kiến nghị bổ sung một số nội dung quy định chưa hợp lý tại Điều 27, 45, 57, 61 trong dự thảo Luật.
Hoài Nam (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc