Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với tỉnh Hà Giang

17:34, 07/07/2023

Ngày 7/7, Đoàn giám sát của Quốc hội khóa 15 do Thượng Tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự buổi làm việc có đồng chí: Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội.

Làm việc với đoàn về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên BTV tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 15 đơn vị tỉnh Hà Giang; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội của tỉnh.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Hà Giang đã hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo, kiện toàn Tổ giúp việc, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, từ đó tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, thôn. HĐND tỉnh đã ban hành 23 Nghị quyết, UBND đã ban hành 50 Quyết định, Kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình theo quy định của Trung ương. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai các Chương trình, Đề án, các chính sách liên quan và tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc, hướng dẫn, hỗ trợ người dân xóa bỏ những thủ tục lạc hậu, góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc, trong đó vấn đề nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng; chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn và kiểm tra, giám sát của các cơ quan trung ương, địa phương, cộng đồng, người dân, đặc biệt là sự giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng nhân dân các cấp. Phong trào Hà Giang chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau được các địa phương hưởng ứng và triển khai thi đua thực hiện hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 5,17% năm, vượt kế hoạch trung ương giao.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục là phong trào sôi nổi trên toàn tỉnh, trở thành nhu cầu, mong muốn của cộng đồng dân cư. Từ đó kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, năng lực, trình độ sản xuất được nâng lên, sản xuất chuyển dịch theo hướng hàng hóa, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi góp phần nâng cao thu thập, cải thiện đời sống người dân; Đến nay toàn tỉnh đã có 01 thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 48 xã đạt chẩn nông thôn mới và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Về nguồn lực thực hiện, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương, địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang là: 6.282.721 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương đối ứng là 265.216 triệu đồng.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Với quyết tâm chính trị cao nhất, Tỉnh Hà Giang quyết tâm, chủ động triển khai thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đồng thời, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Tiếp tục bổ sung nguồn vốn hỗ trợ cho tỉnh để đảm bảo đủ nguồn lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bổ sung nguồn vốn viện trợ, các tổ chức quốc tế để đầu tư các công trình thiết yếu nhằm phục vụ cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn. Ban hành chính sách cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở vay thêm nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để thêm vào kinh phí xây dựng nhà ở. Từ năm ngân sách 2024 Trung ương chỉ giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện từng Chương trình MTQG, không giao dự toán chi tiết đến từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể, để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện...

Phó Chủ tịch Quốc Hội Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Thượng Tướng: Trần Quang Phương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của tỉnh trong quyết liệt triển khai thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu Quốc gia và đã đạt được kết quả ấn tượng: Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 5,12%, vượt 1,12% so với Kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,87%, vượt mục tiêu của Chương trình… Bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu: Hà Giang tiếp thu đầy đủ ý kiến của Đoàn giám sát Quốc hội để bổ sung vào báo cáo. Tập trung vào các nội dung còn khó khăn, vướng mắc; các kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, các Bộ, ngành về từng Chương trình, các dự án, tiểu dự án cụ thể. Quyết liệt thực hiện và giải ngân nhanh các Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhưng đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hà Giang, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tiếp thu và đề nghị các Bộ, ngành theo chức năng, thầm quyền được giao, tham mưu với Chính phủ tiếp tục tháo gỡ những nội dung còn vướng mắc; sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để địa phương dễ thực hiện. Trong đó xây dựng, tích hợp các văn bản hướng dẫn dưới dạng sổ tay, cẩm nang để địa phương dễ tra cứu, sử dụng, tránh sai sót.

Đình Anh - Hồng Duyên


Ý kiến bạn đọc