Sáng ngày 4/7, Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội do đồng chí Lê Hoàng Anh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách, Uỷ viên Đoàn giám sát làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu Quốc gia. Tham gia buổi làm việc về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Lý Thị Lan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV đơn vị Hà Giang; đồng chí Hoàng Văn Vịnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Cụ thể hóa các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, gồm: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo, văn bản điều hành, phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành phụ trách, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở cơ sở cũng như lập kế hoạch, phân bổ ngân sách và dự toán giai đoạn 2021 – 2025 với tổng nguồn vốn trên 6.282 tỷ đồng. Kết quả giải ngân lũy kế đến ngày 20/6/2023 đối với nguồn vốn đầu tư phát triển là hơn 1.172 tỷ đồng, đạt 37,7%; nguồn vốn sự nghiệp là trên 385,5 tỷ đồng, đạt gần 17% kế hoạch…
Trên cơ sở thực tế triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia thực tế tại địa phương, tại buổi làm việc, tỉnh Hà Giang đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ cho tỉnh Hà Giang để đảm bảo đủ nguồn lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình xây dụng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là mục tiêu 2 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới và 60% thôn đat chuẩn nông thôn mới; bổ sung nguồn vốn viện trợ các tổ chức quốc tế để đầu tư các công trình thiết yếu nhằm phục vụ cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn; ban hành chính sách cho phép các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng hỗ trợ nhà ở từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được vay thêm nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để bồ sung thêm vào kinh phí xây dựng nhà ở ngoài phần ngân sách nhà nước hổ trợ. Đề nghị Ủy ban Dân tộc ban hành quy định, hướng dẫn xác định danh sách các thôn có dân tộc khó khăn đặc thù, hướng dẫn về chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số và việc phân công, phân cấp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiều số, tài liệu đào tạo để thực hiện nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình; hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng CNTT, đặc biệt là xây dựng Đề án, Dự án kế hoạch của cấp tỉnh để thực hiện, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất. Đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn của nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn xác định người lao động có thu nhập thấp để tỉnh tổ chức thực hiện dạy nghề; bổ sung đối tượng Trung tâm giáo dục nghể nghiệp - Giáo dục thường xuyên đuợc thụ hưởng các chính sách của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Đồng chí Lê Hoàng Anh phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Hoàng Anh, Tổ trưởng Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội đánh giá cao tính chủ động, nỗ lực của Hà Giang trong triển khai, thực hiện và đạt kết quả tích cực 3 chương trình mục tiêu quốc gia khi còn nhiều khó khăn, vướng mắc; đồng thời tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của tỉnh chuyển đến Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương để có giải pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất. Đồng chí mong muốn, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc có trọng tâm, trọng điểm để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; quan tâm công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; quyết liệt trong công tác giải ngân vốn, đặc biệt là vốn sự nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Văn Hương
Ý kiến bạn đọc