Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hội nghị ngoại giao kinh tế phát triển đất nước

15:47, 21/12/2023

 Trong khuôn khổ hội nghị ngoại giao lần thứ 32, ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các địa phương trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh Hà Giang

Trong năm qua, ngoại giao kinh tế đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, rộng khắp trên các trụ cột đối ngoại bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, đóng góp quan trọng vào việc tạo dựng cơ đồ, tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. Việt Nam đến nay đã là nền kinh tế lớn thứ 11 của châu Á; nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhóm 30 nền kinh tế có thương mại lớn nhất và là 1 trong 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất của ASEAN và có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng đa tầng lớp. Trong đó đã ký 16 hiệp định thương mại tự do bao trùm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới. Công tác ngoại giao kinh tế đã phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài. Việt Nam có những bước đi chủ động sáng tạo và quyết đoán đối với các liên kết kinh tế mới được thiết lập. Thực hiện tốt chủ trương lấy người dân địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ trong các hoạt động ngoại giao kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu của tỉnh Hà Giang

Đối với tỉnh Hà Giang, các hoạt động giao lưu, hợp tác, ký kết thỏa thuận với các tổ chức, đối tác nước ngoài được tăng cường; quan hệ với các địa phương đối đẳng phía Trung Quốc đi vào chiều sâu, thực chất. Tiếp tục thiết lập quan hệ với các địa phương của Philippin, Nhật Bản, Hàn Quốc. Phê duyệt các đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài; tổ chức đón tiếp các đoàn nước ngoài đến thăm, làm việc tại tỉnh. Thực hiện tốt vai trò thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu Unesco.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cập nhật triển vọng kinh tế thế giới, xu thế đầu tư của các doanh nghiệp; kiến nghị các biện pháp nhằm cụ thể hóa nội hàm kinh tế của đối tác chiến lược toàn diện. Các tiêu chuẩn, qui định mới của Liên minh châu Âu về thương mại, đầu tư quốc tế; cơ hội và thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam. Triển vọng kinh tế Trung Quốc, các xu hướng điều chỉnh và tác động đến kinh tế Việt Nam; biện pháp làm sâu sắc hợp tác kinh tế Việt – Trung và tranh thủ các sáng kiến mới cho phát triển hạ tầng chiến lược. Thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư quốc gia khu vực Trung Đông, cơ hội và thách thức với Việt Nam….

Chỉ đạo tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải có tư duy đổi mới, tích cực hiệu quả; nắm chắc tình hình, thay đổi cách tiếp cận phù hợp với tình hình; tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển ngoại giao kinh tế. Học tập cách quản trị hiện đại, quản trị nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác thực tế, khả thi. Đẩy mạnh giao lưu văn hóa. Toàn ngành ngoại giao phát huy những mặt mạnh, các biện pháp ngoại giao cần thực tiễn, hiệu quả, tôn trọng, thể hiện sự tin cậy. Xây dựng đội ngũ ngoại giao nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông về nghiệp vụ, hiểu biết về luật pháp và có tâm có tầm. Ngoại giao phải trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Chủ động tích cực hội nhập và phải tự lực, tự cường./.

Văn Hương- Hồng Duyên

 

 

 


Ý kiến bạn đọc