Ngày 15/12, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch điện VIII. Đồng chí Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm giai đoạn 2031-2050. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Để đạt được các mục tiêu, Quy hoạch điện VIII đã xác định các phương án phát triển nguồn điện, lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, và nhu cầu vốn đầu tư. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà nhấn mạnh: điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do vậy, đề nghị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát kỹ các quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền. Tổ chức thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện, bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình điện theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án nguồn điện, lưới điện theo quy định. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, đánh giá cân đối cung - cầu điện, tình trạng vận hành hệ thống điện toàn quốc và khu vực; Thực hiện triệt để các giải pháp đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.
Phương Duyên - Hồng Duyên
Ý kiến bạn đọc