Vào 20h tối ngày 9-11, tại Quảng trường Thanh niên trung tâm huyện Đồng Văn diễn ra khai mạc Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ X năm 2024, chương trình được livestream trên các nền tảng số của Đài PTTH Hà Giang, Báo Hà Giang và các nền tảng số của tỉnh. Đây là sự kiện quan trọng, điểm nhấn kích cầu du lịch nói riêng, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung. Trong khuôn khổ sự kiện này cũng có nhiều hoạt động đã diễn ra. Trong đó, chiều ngày 9/11, UBND huyện Đồng Văn đã tổ chức khánh thành các công trình, điểm nhấn du lịch. Tham dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố...
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành các công trình, điểm nhấn du lịch tại Đồng Văn |
Cụ thể, UBND huyện Đồng Văn đã tổ chức khánh thành và đưa vào khai thác tổ hợp cổng chào, bờ rào đá, trung tâm diễn xướng huyện Đồng Văn; chuỗi gian hàng theo kiến trúc truyền thống và bờ rào đá dọc đường bê tông tại Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là. Với công trình Cổng chào có kích thước thông thủy chiều rộng 10,5m, chiều cao 6,3m với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Bờ rào đá khu vực đầu thị trấn Đồng Văn gắn liền với cổng chào có tổng chiều dài gần 2km là công trình xếp đá dài nhất trong khu vực, với tổng kinh phí đầu tư 3,8 tỷ đồng. Trung tâm diễn xướng được thiết kế vòng tròn với tổng diện tích trên 615m2, mặt sân được lát đá theo hoa văn trống đồng của dân tộc Lô Lô. Đối với Trung tâm diễn sướng sẽ bao gồm: Trung tâm thương mại, ẩm thực, vui chơi giải trí nhằm quảng bá văn hóa văn nghệ truyền thống tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền và bạn bè quốc tế. Trung tâm diễn xướng đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho du khách có các hoạt động giao lưu dân ca dân vũ, văn nghệ về đêm.
Các công trình đều được thiết kế nổi bật, tạo dấu ấn cho du khách |
Tại xã Sủng Là, UBND xã đã họp thôn và các chủ gian hàng truyền thống tổ chức triển khai thực hiện 32 gian hàng theo kiến trúc truyền thống. Các gian hàng đều sử dụng vật liệu là gỗ sa mộc địa phương, đá, mái lợp ngói âm dương, mang đậm nét kiến trúc của người Mông. Các gian hàng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với mục đích trưng bày các sản phẩm thủ công như: thổ cẩm, sản phẩm từ lanh, hàng thủ công mỹ nghệ, các món ăn đặc sản địa phương. Với nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa là 448 triệu đồng. Ngoài ra, tại khu vực này xã Sủng Là đã thực hiện sếp bờ rào đá với chiều dài là 187 m, chiều rộng 0,4 m, cao 0,7 m. Với tổng kinh phí là 80 triệu đồng.
Các gian hàng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với mục đích trưng bày các sản phẩm thủ công |
Đây là những điểm nhấn được quy hoạch, cải tạo lại đảm bảo giữ gìn nét văn hóa truyền thống, tạo cảnh quan không gian tháng đãng đồng thời mở rộng định hướng phát triển du lịch trong tương lai. Các công trình đều được thiết kế nổi bật, tạo dấu ấn cho du khách đồng thời đây cũng là kênh quảng bá, giới thiệu về phong cách kiến trúc nghệ thuật truyền thống độc đáo của vùng cao nguyên đá. Gửi gắm trong đó những khát vọng vươn lên của cộng đồng 17 dân tộc trong huyện Đồng Văn./.
Hải Tú – Tuấn Quỳnh
Ý kiến bạn đọc