Chiều 14/11, tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về việc thực hiện chính sách pháp luật đối nhà giáo trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Hà Giang cùng chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình và Vĩnh Phúc cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND – UBND tỉnh; các thầy, cô giáo công tác tại một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Giang.
Tọa đàm thực hiện chính sách pháp luật đối với nhà giáo
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm |
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định: Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của Hà Giang luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo và lấy đó làm nền tảng để đồng bào các dân tộc Hà Giang xây dựng cuộc sống mới, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiệm vụ: “Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất các trường, lớp học; tiếp tục đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lịch sử địa phương vào giảng dạy. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục bậc học mầm non gắn với học tiếng phổ thông. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Về xây dựng đội ngũ Nhà giáo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025 cũng có mục tiêu, quan điểm là: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vững vàng về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu”.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu tại buổi tọa đàm |
Hiện nay, Tỉnh ủy Hà Giang cũng đang chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm của mình đối với những điểm mới trong dự thảo Luật nhà giáo.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết: Dự án Luật Nhà giáo đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 50 điều. Việc tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức tọa đàm với mục đích làm rõ những bất cập, khó khăn của nhà giáo đang công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới để có giải pháp xây dựng chính sách phù hợp đối với các nhà giáo, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà cũng như cả nước. Cho ý kiến tại tọa đàm, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Dự thảo luật đã thể hiện những quy định mang tính toàn diện và chi tiết hóa từng yếu tố tác động lên nhà giáo. Đồng thời, quy định nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ hạn chế, bất cập trong công tác quản lý về giáo dục đối với nhà giáo. Một số nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý như: Việc thi hành chính sách pháp luật đối với nhà giáo trong môi trường chuyên biệt; trong đó, đề xuất về chính sách tuyển dụng và thu hút; tiền lương phụ cấp; chế độ nghỉ hưu; danh hiệu phong tặng của các nhà giáo ở các trường chuyên biệt.
Các đồng chí chủ trì buổi tọa đàm |
Các ý kiến góp ý cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi bạo lực, xúc phạm từ học sinh, phụ huynh. Đồng thời, cần có chế tài nghiêm khắc với các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của giáo viên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh nhà giáo trong xã hội.
Các ý kiến cũng đóng góp về vai trò của cơ quan quản lý giáo dục trong tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để bảo đảm tính chủ động của ngành giáo dục trong quản lý nhà giáo và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thể hiện sự mong muốn Luật Nhà giáo sẽ sớm được Quốc hội thông qua nhằm giải quyết được những khó khăn vướng mắc của những người làm công tác giáo dục hiện tại, nhằm hướn tới mục tiêu phát triển nền giáo dục ngày một tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi tọa đàm |
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng một luật riêng cho nhà giáo. Bởi, hiện nay nhà giáo đang được quy định tại Luật Viên chức đối với nhà giáo công lập và Bộ luật Lao động đối với nhà giáo ngoài công lập. Nhà giáo là viên chức nhưng phải được coi là viên chức đặc biệt, nhà giáo là người lao động nhưng phải là người lao động làm nghề đặc biệt. Đặc biệt ở trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ; đặc biệt trong tuyển dụng, thuyên chuyển, khen thưởng, kỷ luật. Hiện nay, nhà giáo đang chiếm một tỷ lệ lớn, trong đó nhà giáo công lập chiếm tới 72% hưởng lương công chức Nhà nước và nhà giáo ngoài công lập có tỷ lệ ngày càng tăng. Do đó, quy định của Luật Nhà giáo sẽ có tác động rất lớn tới đội ngũ nhà giáo. Luật ra đời không chỉ để quản lý nhà giáo mà còn để xây dựng đội ngũ này giỏi hơn; tạo một khí thế mới, động lực mới, để nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cảm ơn những ý kiến tâm huyết, xác đáng của các đại biểu; đặc biệt là các thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đối với các ý kiến đóng góp, các bài tham luận trong cuộc tọa đàm này, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp, nghiên cứu, xem xét để đưa vào Dự thảo Luật sát thực tiễn. Cũng nhân sắp đến ngày Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024) các đồng chí xin được gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến với các thầy, cô giáo, các đồng chí đang công tác trong ngành giáo dục Hà Giang luôn dồi dào sức khỏe, có đủ tâm, trí lực để gieo con chữ cho học sinh, kiến tạo nên những con người cống hiến xây dựng đất nước./.
Văn Hương – Hải Hà – Hải Tú
Ý kiến bạn đọc