Châu Âu đang trong đợt phong tỏa mới. Điều này có nghĩa là một loạt doanh nghiệp tại châu lục này một lần nữa phải đối mặt với tình trạng phải đóng cửa, doanh thu sụt giảm.
Bức tranh u ám đang bao trùm nhà hát ở thủ đô Paris, Bồ Đào Nha… và đang tác động đến cuộc sống từng người, từng gia đình như thế nào.
Ngồi một mình trong Nhà hát Palais Royal ở thủ đô Paris, quản lý nhà hát - ông Sebastian Azzopardi buồn bã khi phải chứng kiến cảnh nhà hát không một bóng người. Trong đợt phong tỏa mới được áp đặt trước lễ Giáng sinh vừa qua, hơn 700 ghế trong nhà hát tiếp tục không có khán giả.
"Chẳng bao giờ còn hi vọng được mở cửa trở lại. Trong những ngày nghỉ cuối năm ngoái, chúng tôi đã được thấy các cửa hàng mở cửa trở lại, mọi người hối hả đi mua sắm, tàu điện ngầm tấp nập người. Thế những những nhà hát đang bị gạt ra ngoài cuộc chơi" - ông Sebastian Azzopardi nói.
Phố Rivoli dọc bảo tàng Louvre ở trung tâm Paris không bóng người. (Ảnh: BFMTV)
Nhà hát phải đóng cửa cũng có nghĩa là doanh thu sụt giảm nghiêm trọng và nhân viên nhà hát phải nghỉ làm. Năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch, doanh thu của Nhà hát Palais Royal luôn ở mức hơn 5 triệu euro/năm. Tuy nhiên, kể từ đợt phong tỏa lần đầu tiên vào tháng 3 vừa qua, doanh thu của nhà hát chỉ ở mức 250.000 euro. Vào những thời điểm hoàng kim, mỗi ngày có khoảng hơn 20 nhân viên làm việc trong nhà hát nhưng giờ thì chỉ có 3 người còn làm việc để duy trì nhà hát.
Đại dịch COVID-19 cũng khiến nhiều lĩnh vực nghệ thuật ở Pháp phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc cuộc sống của 200.000 người đang làm việc trong lĩnh vực này phải đối mặt với bấp bênh. Hiện số ca lây nhiễm COVID-19 mới ở Pháp tăng trung bình mỗi ngày 18.000 ca cùng với số ca biến thể mới cũng được phát hiện ngày càng nhiều khiến cho các biện pháp giãn cách sẽ còn bị áp dụng lâu dài.
Bồ Đào Nhà hôm nay bước vào đợt phong tỏa mới lần 2 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này đầu năm 2020. Hàng loạt các cửa hàng không thiết yếu trong đó có các quán cà phê, tiệm cắt tóc, làm đẹp tiếp tục phải đóng cửa. Những khu phố tại thủ đô Lisbon xinh đẹp từng tấp nập khách du lịch giờ đây vặng lặng, Ông Francisco Pereira, chủ một quán cà phê ở trung tâm thủ đô Lisbon cho biết, sau đợt phong tỏa tiếp theo này, cửa hàng của ông khó có thể trụ vững.
"Những biện pháp hạn chế sẽ còn nghiêm trọng hơn. Chúng tôi đã sử dụng hết tiền tiết kiệm. Giờ chẳng còn gì cả" - ông Francisco Pereira chia sẻ.
Tiệm cắt tóc của bà Cleonice Caldeira cũng trong tình trạng tương tự: "Đây là lần đầu tiên nhiều cơ sở kinh doanh bị đóng cửa và không thể mở cửa trở lại. Mọi người đều hiểu rõ tình hình. Thật là thời buổi khó khăn".
Tại thủ đô Lisbon có khoảng 600 cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê và tiệm cắt tóc. Từ tháng 3/2020, khoảng hơn 100 cửa hàng đã phải đóng cửa vĩnh viễn.
Trong một tuyên bố đưa ra mới đây, chuyên gia hàng đầu về tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới Mark Ryan cảnh báo, sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS CoV-2 sẽ khiến thế giới đối mặt với càng nhiều khó khăn hơn nữa trong năm 2021. Cảnh báo có phần "u ám" này của Tổ chức Y tế Thế giới một lần nữa cho thấy sự "nghiệt ngã" của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động đến cuộc sống của hàng triệu triệu con người trên khắp thế giới.
Nguồn: VTV.VN