Trong suốt nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và giải quyết công việc đúng phạm vi, thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Tại phiên họp lần thứ 34 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sáng 16/3, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Đoàn kết, dám nghĩ, dám làm
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho biết với phương châm xuyên suốt là xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, trong suốt nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và giải quyết công việc đúng phạm vi, thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ.
Chính phủ luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, năng động, đổi mới, sáng tạo, kiên định, quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Trong quản lý, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ, chủ động biến thách thức thành cơ hội, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp; chủ động rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, chủ động kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật, khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; vừa nhạy bén, quyết liệt chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề phát sinh, vừa tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, căn cơ trong trung và dài hạn.
Chính phủ tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm chi phí, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan tư pháp nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2020, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016-2021, tô đậm thêm thành quả 35 năm đổi mới của đất nước, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố niềm tin vững chắc vào những giá trị truyền thống, bản lĩnh, khí phách, ý chí, tinh thần vượt khó, vươn lên của dân tộc ta; vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tạo nguồn lực và động lực mới để tiếp tục đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.
Năm 2018 và 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão, lũ, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cả nước thực hiện nhiệm vụ với kết quả đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu Quốc hội giao; thực hiện thành công “mục tiêu kép”, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới; giai đoạn 2016-2020 đạt 5,99%; năm 2020 kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương trong khi kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới.
15 nhóm nhiệm vụ trong thời gian tới
Báo cáo của Chính phủ đề ra 15 nhóm nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh tiếp tục chủ động xây dựng chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, với những nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, có tính đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2021-2025, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Tập trung rà soát, khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là về đầu tư, kinh doanh, đất đai, hạ tầng; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch và ổn định gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự phát triển và vận hành của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập quốc tế; kiên định mục tiêu ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với xã hội, phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển nền kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp….
Triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân. Gắn kết chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, tạo môi trường hoà bình và ổn định cho phát triển đất nước.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung khẳng định Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và nhận thấy, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, thậm chí là những thách thức lớn chưa từng có, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động; kết quả, đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Báo cáo tổng kết đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với nhiều số liệu cụ thể, đánh giá cơ bản toàn diện, sâu sắc về các mặt công tác trong cả nhiệm kỳ, nêu bật những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân, đúc kết một số bài học kinh nghiệm và xác định phương hướng trong nhiệm kỳ tới. Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Báo cáo cần đánh giá sâu sắc hơn về những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực; đồng thời, rà soát để tránh trùng lặp, một số nội dung cần thể hiện súc tích, khái quát hơn. Bổ sung đánh giá, rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.
Đánh giá, làm rõ thêm về kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực; làm rõ nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ làm rõ thêm bài học kinh nghiệm về tổ chức thi hành pháp luật, nhất là vai trò của công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi pháp luật gắn với nâng cao vai trò và trách nhiệm của cá nhân, tập thể, từng cấp, từng cơ quan, người đứng đầu, việc thiết lập và thực thi kỷ luật, kỷ cương trong công tác tổ chức thi hành pháp luật./.
Nguồn: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc