Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hôm nay (15/3), Việt Nam thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 thứ 2

08:18, 15/03/2021

Sáng nay (15/3), vaccine thứ 2 do Việt Nam sản xuất sẽ chính thức thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Nhân dân)

Đây là vaccine COVIVAC của Công ty vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang ( IVAC). Việc tiêm thử nghiệm sẽ do IVAC phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện.

Dự kiến giai đoạn 1 sẽ thử nghiệm trên 120 tình nguyện viên khỏe mạnh tuổi từ 18 đến 75, chia thành 5 nhóm. Trong đó 4 nhóm sử dụng các liều vaccine 1mcg, 3mcg, 10mcg và 1mcg có bổ sung tá dược. Một nhóm được tiêm giả dược để có sự so sánh với 4 nhóm tiêm. Mỗi tình nguyện viên được tiêm 2 mũi, cách nhau 28 ngày.

Trước khi thử nghiêm lâm sàng, kết quả thử nghiệm trên động vật và trong phòng thí nghiệm đạt hiệu quả tốt về an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ.

Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu vaccine COVIVAC phòng COVID-19, đã có hàng nghìn người tình nguyện đăng ký tham gia thử lâm sàng vaccine. 

Vaccine COVIVAC được nghiên cứu và sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi, là vaccine dạng dung dịch, không có chất bảo quản. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.

IVAC là cơ sở nghiên cứu sản xuất duy nhất tại Việt Nam chủ động nguồn trứng gà để sản xuất vaccine.

Sau 7 tháng nghiên cứu, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế đã sản xuất thành công 3 lô liên tiếp trên quy mô lớn, từ 50.000 đến 100.000 liều mỗi lô. Dự kiến, giá thành một liều vaccine COVIVAC sau khi xuất xưởng là 60.000 đồng/liều. Bộ Y tế cho biết sẽ đảm bảo những nguyên tắc cơ bản trong sản xuất vaccine ở Việt Nam.

Được biết, IVAC được WHO đầu tư cơ sở vật chất hoàn thiện, đồng bộ và quy mô sản xuất 6 triệu liều vaccine/năm, có thể nâng cấp lên 30 triệu liều/năm khi có đại dịch xảy ra.

IVAC cũng là 1 trong 14 cơ sở sản xuất vaccine cúm được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn để đặt hàng khi đại dịch xảy ra.

Thành công trong nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng ngừa sẽ giúp Việt Nam chủ động, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế và sẵn sàng phục vụ đại dịch.

Việt Nam cũng là 1 trong 39 quốc gia đạt chuẩn về quản lý vaccine của WHO, đây cũng là điều kiện để các nhà sản xuất Việt Nam không chỉ chủ động nguồn vaccine trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc