Đến nay, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 đã và đang được các địa phương khẩn trương thực hiện.
Đặc biệt, tại huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có 6 xã vùng biên giới được cho phép tổ chức bầu cử sớm. Địa phương đã phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng thôn trong việc tuyên truyền bầu cử và phòng chống dịch Covid-19, để ngày bầu cử diễn ra an toàn và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.
Chơ Chun là 1 trong 6 xã biên giới của huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 16/5, sớm hơn cả nước 1 tuần.
Những ngày này, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử đến từng thôn, bản và vùng biên giới xa xôi. Ông Riah Bel, Chủ tịch UBND xã Chơ Chun cho biết, địa phương giáp với huyện Đăk Chưng của nước bạn Lào. Thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, xã đã phối hợp với các lực lượng vũ trang vừa tăng cường tuần tra, kiểm soát đường biên, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, vừa đẩy mạnh tuyên truyền bầu cử. Ông Riah Bel cho biết thêm: Do đặc thù vùng cao, sông, suối cách trở, dân cư thưa thớt nên công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, sự vào cuộc tích cực của các lực lượng, sự chung tay của đội ngũ già làng, trưởng thôn đã giúp đồng bào nắm bắt đầy đủ thông tin về cuộc bầu cử.
Ông Riah Bel cho biết: “Chơ Chun tổ chức bầu cử sớm hơn 7 ngày so với quy định. Vì vậy, địa phương đã tập trung chỉ đạo các tổ bầu cử khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tiếp tục phối hợp với các già làng, trưởng bản tuyên truyền cho người dân làm tốt công tác phòng chống dịch, tự phòng là chính. Tổ giám sát cùng già làng, trưởng bản kiểm tra, rà soát và vận động con em, người lao động đi làm ăn xa trở về địa phương khai báo y tế. Nhìn chung đến thời điểm này địa phương đã sẵn sàng cho ngày bầu cử sắp đến.”
Theo Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia, cùng với Chơ Chun, 5 xã biên giới khác của huyện Nam Giang là La Dee, La Ê, Đăc Tôi, Đắc Pring và Đắc Pre cũng tổ chức bầu cử sớm vào ngày 16/5. Đến nay, các khâu chuẩn bị cho ngày bầu cử sớm tại 24 điểm bỏ phiếu thuộc 6 xã vùng cao biên giới đã cơ bản hoàn tất. Công tác phòng chống dịch Covid-19 tại đây cũng được tăng cường.
Để thông tin về cuộc bầu cử đến với bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn, bên cạnh hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu bằng các ngôn ngữ khác nhau thì vai trò của già làng, trưởng thôn luôn được địa phương phát huy tích cực. Già làng Zoãn Bền, thôn Pà Ong, cụm Pà Dồn, xã Cà Dy, huyện Nam Giang năm nay đã ngoài tuổi 70 vẫn không ngại sớm khuya đi từng ngõ, gõ từng nhà cùng cán bộ cơ sở tuyên truyền về bầu cử. Ông tham gia thống kê danh sách cử tri, vận động các gia đình thông báo cho con em ở xa trở về nhà đúng ngày bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Già làng Zoãn Bền nói rằng, bà con vùng cao quan tâm đến ngày bầu cử, tham dự đầy đủ các buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, tìm hiểu tiểu sử cũng như chương trình hành động của các ứng cử viên với mong muốn chọn được những vị đại biểu xứng đáng đại diện cho cử tri.
Già làng Zoãn Bền cho biết: “Mình tuyên truyền rằng, bầu HĐND, bầu đại biểu Quốc hội phải đi đông đủ. Họp là tuyên truyền, gặp đâu tuyên truyền ở đó, gặp ở đường hay ở quán cà phê cũng tuyên truyền, nhắc bà con tới ngày bầu cử không thể vắng mặt. Đây là ngày hội lớn nên chúng ta phải gác lại mọi việc để tham gia. Mình phải chọn người có đức, có tài để bầu. Mình bầu người có thể bảo vệ quyền lợi và giúp được dân.”
Bà Zơ Râm Thị Hai, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: cả huyện có 58 khu vực bỏ phiếu với 17.380 cử tri. Ngoài 6 xã vùng cao biên giới, hiện, các địa phương trong huyện đang tập trung tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.
Theo bà Zơ Râm Thị Hai, bà con nô nức chào đón ngày bầu cử như ngày hội lớn của toàn dân: “Vai trò của già làng, trưởng bản rất quan trọng trong công tác bầu cử. Thông qua các cuộc họp, các già làng, trưởng bản cũng là người truyền đạt các nội dung về bầu cử cả về công tác nhân sự lẫn ý nghĩa, mục đích của cuộc bầu cử đại biểu quốc hội và HĐND các cấp. Từ đó, bà con hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ công dân khi tham gia bầu cử.”
Ngày bầu cử đang đến gần. Các Tổ bầu cử ở miền núi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cán bộ thôn, sát cánh với đội ngũ già làng, người có uy tín tại địa phương khẩn trương rà soát, niêm yết danh sách và phát thẻ cử tri đến từng người. Ông Trần Văn Tân, Ủy viên ban Thượng vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam cho biết, việc đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các điểm bỏ phiếu cũng được tăng cường, tạo tâm lý an tâm cho cử tri khi đến các điểm bầu cử thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong ngày hội toàn dân.
Ông Trần Văn Tân cho biết: “Tỉnh đã triển khai đầy đủ các cơ sở y tế trên địa bàn, phòng chống dịch Covid-19. Nói chung ở miền núi qua các đợt tuyên truyền bầu cử như thế thì ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân. Khí thế trong nhân dân ở khu vực miền núi rất tốt. Thi đua sôi nổi và tuyên truyền trực quan qua các phương tiện loa đài phục vụ kịp thời thông tin đến đồng bào dân tộc thiểu số./.”
Nguồn: VOV
Ý kiến bạn đọc