Là công dân của nước Việt Nam độc lập, Người không chỉ động viên, kêu gọi mọi người tham gia tổng tuyển cử mà còn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.
Ngày 19/5 - kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là dịp cả nước hướng tới ngày hội toàn dân - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp.
Sau ngày Quốc khánh 2/9/1945, mặc dù đất nước vẫn phải đối mặt với "thù trong, giặc ngoài", nhưng một trong những nhiệm vụ đầu tiên Người đề ra vẫn là phải tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt, để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, được tự do lựa chọn và bầu ra những người đại diện, xứng đáng thay mặt mình, gánh vác công việc chung của đất nước.
Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
"Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ được tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước… Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do". Đó là lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên Báo cứu quốc số ra ngày 5/1/1946.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng kể lại: "Hà Nội lúc đấy không phải khu phố như hiện nay mà là làng, 118 làng nhất trí đưa lên 1 kiến nghị là Chủ tịch Hồ Chí Minh không cần phải bầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đương nhiên là đại biểu Quốc hội rồi. Khi biết được nguyện vọng của người dân Thủ đô như thế, Bác cám ơn người dân đã tín nhiệm, tin tưởng nhưng Bác nói Bác là một công dân nên hãy để Bác thực hiện quyền công dân là đi bầu những người Bác tín nhiệm vào cơ quan quyền lực cao nhất".
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình không chỉ là tấm gương cho toàn thể nhân dân mà còn thể hiện sự công bằng, liêm chính của Chính phủ lâm thời mà Người là đại diện.
Đại tướng Nguyễn Quyết - nguyên Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, năm nay tròn 100 tuổ. Ông vẫn nhớ như in cảm xúc trong ngày lịch sử 6/1/1946 của cả dân tộc.
Ông chia sẻ: "Ngày đi bầu cử là ngày sung sướng nhất đời tôi cũng như toàn thể nhân dân. Ai cũng thấy mình là người làm chủ. Sống chế độ thuộc địa người dân không có quyền gì hết, vì thế từ ông già, bà già, người trẻ đi bỏ phiếu như ngày hội".
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết, tính chung trong cả nước, có hơn 90% người dân đã đi bầu và Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4 % số phiếu, một tỷ lệ rất cao. Đây là một thắng lợi rất lớn, thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết và sự ủng hộ Chính phủ rất lớn. Người dân đã đem hiểu biết, trách nhiệm xây dựng chế độ mới mà mình làm chủ.
Bằng ý thức làm chủ, người dân đã sáng suốt lựa chọn được những người xứng đáng nhất đại diện cho mình tham gia vào Quốc hội - Cơ quan lãnh đạo cao nhất của 1 nhà nước dân chủ.
Bác nói: "Tôi là một công dân" và cũng giống như mọi người dân Việt Nam khi ấy đều là công dân của một đất nước độc lập, tự do. Dù là một câu nói nhưng chứa đựng kết quả của một cuộc đấu tranh dài, gian khổ và vĩ đại để thấy việc được cầm lá phiếu đi bầu cử là một trọng trách đáng tự hào.
Bác Hồ nói chuyện với người dân thủ đô về Hiến pháp 1959
Ngược dòng lịch sử, có thể nói, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra thắng lợi là một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc ta, khi người dân Việt Nam được tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình. Sau Hiến pháp năm 1946, năm 1959, Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, tiếp tục khẳng định quyền làm chủ đất nước của nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, các quyền tự do dân chủ được bảo đảm.
Tại cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô Hà Nội ủng hộ Hiến pháp mới vào tháng 12/1959, Bác đã gửi lời cảm ơn tới đồng bào vì đã luôn tin tưởng tuyệt đối vào Quốc hội.
Thưa đồng bào yêu quý!
Tôi thay mặt Quốc hội và Chính phủ, cảm ơn đồng bào đến hoan nghênh Quốc hội. Quốc hội của chúng ta đã làm việc trong 15 ngày.
Đã thông qua bản Hiến pháp mà đồng bào mong đợi. Bản Hiến pháp ấy, đồng bào cũng góp nhiều ý kiến. Và trong đó, có một điều rất là vui vẻ cho đồng bào. Đó là luật lấy vợ, lấy chồng và luật gia đình. Thế là năm mới, chúng ta có Hiến pháp mới. Mong đồng bào ra sức thi đua để dành những thắng lợi mới.
Một lần nữa, tôi thay mặt Đảng, Chính phủ và Quốc hội cảm ơn đồng bào và chúc đồng bào năm mới, muôn sự tốt lành, hăng hái thi đua để dành những thắng lợi mới.
"Thế là năm mới, chúng ta có Hiến pháp mới" - mọi hoạt động của Chính phủ, của Quốc Hội đều được Bác báo cáo với nhân dân bằng sự tin tưởng, gần gũi, giản dị. Qua chia sẻ ấy của Người, nhân dân luôn nhìn thấy trách nhiệm và quyền làm chủ của mình.
Nữ đại biểu Quốc hội nhiều lần được gặp Bác Hồ
Năm nay thật ý nghĩa, khi sau sinh nhật Bác, 3 ngày tới là đến Ngày hội bầu cử. Anh hùng lao động Nguyễn Thị Thạc là một nữ đại biểu Quốc hội của 3 khóa III, IV, V đã vinh dự được gặp Bác và cả cuộc đời của mình những lời Bác dặn luôn là kim chỉ nam để bà phấn đấu và phục vụ nhân dân. Câu chuyện của bà sẽ cho chúng ta thấy tinh thần nêu gương của Bác và trách nhiệm của mỗi đại biểu của nhân dân.
Ở tầng 11 một khu chung cư ở Hà Nội, có một căn hộ mà phòng khách treo rất nhiều ảnh chụp chung với Bác Hồ. Người con gái có nụ cười tươi rói trong những bức hình đó nay đã 83 tuổi.
Nhà máy dệt Nam Định vinh dự được 3 lần Bác Hồ về thăm. Những lời động viên dặn dò của Bác có sức mạnh to lớn, giúp các thế hệ các bộ, công nhân nhà máy ra sức phấn đấu. Trong số đó có bà Nguyễn Thị Thạc. Ở tuổi đôi mươi, bà được gọi là "Kiện tướng đứng máy sợi".
Năm 1962, bà được tuyên dương Anh hùng lao động. Đặc biệt hơn, nhà máy đã giới thiệu bà ứng cử đại biểu Quốc hội khóa III từ năm 1964 - 1971.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chứng nhận bà Nguyễn Thị Thạc là đại biểu Quốc hội khóa III. Cầm tấm thẻ trên tay, bước vào hội trường với bao điều choáng ngợp với bà Thạc, khi ấy bà Thạc mới 26 tuổi.
"Mình là một nông dân thuần túy trước đây, bây giờ nhờ Đảng, nhờ Bác mình được thế này, thấy mênh mông, thiêng liêng quá. Quốc hội khóa III có lần họp về chuyên đề Kế hoạch hóa gia đình. Hôm đó, tôi được phát biểu cặp vợ chồng nên có 2 con. Tôi phát biểu xong thì có đại biểu Quốc hội đoàn khác cũng hưởng ứng là chỉ có 2 con thôi. Nhưng Bác nói "Các vị đại biểu Quốc hội chỉ nên nghe chú nói, đừng học chú làm". Sau buổi họp ấy, mọi người nhốn nháo hỏi nhau mới biết ông ấy có 6 con. Nhưng ông ấy nói mạnh là chỉ đẻ có 2 con. Vậy nên, Đại biểu Quốc hội là nói với làm phải đi đôi với nhau. Vì thế, tôi thấm thía suốt 60 năm, kể từ kỳ họp Quốc hội khóa III" - bà Thạc chia sẻ:
Bà khẳng định: "Bác không còn nữa. Tôi là đại biểu Quốc hội khóa IV hay V thì tôi vẫn làm theo lời Bác. Nói đi đôi với làm, phản ảnh trung thực tâm tư, nguyện vọng của công nhân tới Quốc hội".
Ngày 23/5 lịch sử này, bà cùng hàng triệu người dân Việt Nam khác sẽ thực hiện quyền và trách nhiệm của một công dân để bầu ra người có tầm có tâm, tiếp tục sứ mệnh của 1 đại biểu Quốc hội, nói lên tiếng nói của nhân dân.
"Tôi là một công dân" - câu nói giản dị ấy Bác cũng chính là lời nhắc nhở, động viên để ngày 23/5 tới đây, mỗi công dân Việt Nam cầm lá phiếu đi bầu cử trong tâm thế tự hào.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc