Rút ngắn thời gian tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm xuống 10 năm, là khoảng thời gian nhiều nước xem là đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014. Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để được hưởng lương hưu của Luật BHXH hiện hành quá chặt chẽ, dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.
Hai người tham gia BHXH thì có một người rút
Theo cơ quan này, trong năm năm thực hiện Luật BHXH, tổng số người hưởng BHXH một lần là trên 3,7 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm có gần 750.000 người tham gia BHXH rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia BHXH. Nghĩa là cứ có hai người mới tham gia vào BHXH thì có một người rời khỏi hệ thống.
Đây là một con số quá lớn so với nỗ lực phát triển đối tượng BHXH của toàn ngành BHXH. Rất nhiều địa phương cũng phản ánh công tác phát triển đối tượng gặp nhiều hạn chế, do số người tham gia mới không đủ bù đắp cho những người hưởng chế độ BHXH một lần.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng một trong nhiều nguyên nhân trên là do Luật BHXH hiện hành quy định điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
“Trong khi đó, hiện nay nhiều nước quy định thời gian tham gia BHXH 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo...” - ông Nam phân tích.
Vì vậy, cơ quan này đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.
Quy định này sẽ tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Theo quy định hiện hành, nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH (20 năm) để được hưởng lương hưu. Trong ảnh: Người tham gia BHXH đi nhận lương hưu. Ảnh: VIẾT LONG
Giảm số năm đóng cần có lộ trình
Đồng tình với đề xuất này, chị Nguyễn Thị Hoa (công nhân, ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) khẳng định quy định trên nếu được áp dụng sẽ giúp nhiều người tham gia BHXH.
Chẳng hạn như chị làm ở một công ty may mặc, thường công việc này chỉ kéo dài được 10-15 năm thì nghỉ vì mắt, lưng kém không đáp ứng được yêu cầu của công ty. Trong khi đó, lao động nữ ở tuổi 40 nếu tiếp tục đi xin việc thì ít ai nhận. Vì vậy, nhiều người chọn nhận BHXH một lần để lấy vốn chăn nuôi, kiếm sống qua ngày.
“Nhưng nếu Nhà nước cho đóng 10 năm, hay 15 năm để nhận lương hưu thì tôi nghĩ nhiều người không rút. Bản thân tôi cũng không nhận BHXH một lần mà để lúc về già hưởng lương hưu và được nhận bảo hiểm y tế miễn phí” - chị Hoa cho biết.
Anh Nguyễn Văn Quân (ngụ quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho rằng hiện nay có người tham gia BHXH 20 năm nhưng lương hưu chưa tới 2 triệu đồng. Vì vậy, Nhà nước cần tính toán tỉ lệ phần trăm đóng BHXH như thế nào để người lao động đóng BHXH 20 năm, hay 15 năm phải được hưởng lương hưu ít nhất bằng lương tối thiểu vùng, lúc đó mới phát huy vai trò của BHXH.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết trước đây đơn vị cũng từng đề xuất giảm năm đóng BHXH tối thiểu để nhiều người lao động được hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, ông Quảng cho rằng việc giảm số năm đóng cần có lộ trình, trước mắt là 15 năm và tiến tới 10 năm. Việc giảm thời gian đóng cũng cần đi đôi với giảm tuổi nghỉ hưu đối với người lao động ở một số ngành nghề đặc thù. “Nếu không, người lao động nhận lương hưu thấp sẽ rất khổ và vất vả những năm về già” - ông Quảng góp ý.
Cần tính toán kỹ số năm đóng và số năm hưởng Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định đây là đề xuất nhân văn, giúp người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hưởng lương hưu khi về già, đồng thời khuyến khích người dân tham gia BHXH nhiều hơn. Thực tế, hiện nay có nhiều người tham gia BHXH muộn, dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH để nhận lương hưu, trong khi họ không còn sức khỏe để lao động và tiếp tục tham gia BHXH, nên quy định giảm năm đóng tối thiểu là cần thiết. Cũng theo ông Huân, quy định hiện hành để được nhận lương hưu với tỉ lệ tối đa 75% mức bình quân tiền lương đóng BHXH, lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm và lao động nam đóng 35 năm. Nếu đóng tối thiểu 20 năm, người lao động được nhận 45%. Còn nếu theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, trường hợp giảm xuống 15 năm thì mức hưởng tương ứng trên 30% và đóng 10 năm cao lắm trên 20%. “Có nghĩa lương hưu người lao động rất thấp, người nghỉ hưu không thể sống nổi. Do đó, theo tôi, ban soạn thảo cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ số năm đóng và số năm hưởng để đưa ra công thức tính lương hưu cho phù hợp” - ông Huân nói |
Nguồn: plo.vn
Ý kiến bạn đọc