Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Gia đình - Nơi gắn kết mọi thành viên trong bối cảnh dịch bệnh

16:15, 28/06/2021

Dù sát gần, hay phải tạm xa nhau, những thành viên của nhiều gia đình lại gắn kết hơn bởi thử thách của dịch COVID-19.

Đồng lòng vượt qua những khó khăn lại khiến cho ta thêm hiểu nhau, thêm gắn kết. Đó là điều chúng ta đã thấy ở cộng đồng Việt Nam trong công cuộc chống dịch, gần hơn là ở chính những thành viên trong gia đình.

Gia đình - Nơi gắn kết mọi thành viên trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 1.

28/6 - Ngày Gia đình Việt Nam 20 năm qua đã trở thành ngày lễ tôn vinh những giá trị gia đình, là dịp để những người con đất Việt hướng về gia đình, nguồn cội, từ đó nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, giá trị cao quý của dân tộc.

Gia đình - Nơi gắn kết mọi thành viên trong bối cảnh dịch bệnh

Hơn 1 năm qua, diễn biến của dịch COVID-19 đã có những tác động đến hoạt động thường nhật, thói quen sinh hoạt của hàng triệu gia đình. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, dịch COVID-19 cũng mang đến cơ hội, để chúng ta sống chậm lại và thêm gắn kết nhiều hơn với gia đình mình.

Ở đâu đó, hạnh phúc vẫn vẹn tròn trong tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ của nhiều cặp vợ chồng sau bao khó khăn trong hành trình tìm con.

Gia đình - Nơi gắn kết mọi thành viên trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 2.

Đúng 1 tháng trước, khi dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc, cất tiếng khóc chào đời, bé Ngân là niềm tin, niềm hạnh phúc của vợ chồng anh Hiệu sau gần 8 năm chờ đợi.

Không thể đếm hết số lần từ Yên Bái về Hà Nội thăm khám, cũng không ít lần hi vọng. Áp lực từ nhiều phía, thực sự, để đến được niềm vui hiện tại, là sự cố gắng, tự động viên khích lệ của các thành viên trong gia đình.

Nỗi lo dịch bệnh có lẽ là điều gì đó bên ngoài ngôi nhà của anh Hiệu cũng như nhiều gia đình mới chào đón các thiên thần nhỏ. Gần 2 năm qua, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, vẫn có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn được đón nhận cơ hội, niềm hạnh phúc. Nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại, một số phương pháp hỗ trợ sinh sản có tỷ lệ thành công lên đến hơn 60%.

Hạnh phúc gia đình là khi có đủ đầy mọi thành viên. Điều đơn giản này dễ nhận thấy hơn trong thời gian dịch bệnh.

Gia đình - Nơi gắn kết mọi thành viên trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 3.

Trước kia luôn bận rộn với công việc, 3 con nhỏ gần như nhờ ông bà chăm nom, dạy dỗ nhưng thời gian này, chị Hiền luôn tận dụng mọi cơ hội gần bên các con, gần bên bố mẹ.

Có thể thấy, thay vì coi dịch COVID-19 như một thách thức, hãy biến đây thành cơ hội để tìm về những giá trị đích thực của gia đình. Việc tăng cường sẻ chia, tâm tình để thấu hiểu, động viên nhau là chìa khóa giúp mỗi gia đình đứng vững trong mùa dịch.

Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có Thông điệp, gửi đến toàn thể các gia đình. Thông điệp nhấn mạnh, mỗi người Việt Nam đều có gia đình nhỏ của riêng mình nhưng cũng có chung một gia đình lớn thiêng liêng, chính là đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến.

Chủ tịch nước cũng kêu gọi các gia đình tiếp tục vun đắp gia đình thực sự là tổ ấm nhân lên những niềm vui, hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, niềm tự hào, khát vọng cống hiến, trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Hậu phương - Điểm tựa của những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch

Thực tế, suốt thời gian qua, khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nước ta, đã có hàng nghìn gia đình chung sức cùng hệ thống chính trị, căng mình vượt khó. Trong đó có gia đình các cán bộ, bác sĩ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy đi vào tâm dịch. Hậu phương gia đình đã luôn là điểm tựa, niềm tin cho họ.

Gia đình - Nơi gắn kết mọi thành viên trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 4.

Con trai út đã gần 2 tuổi thế nhưng đến nay, tấm ảnh gia đình chị Hải Yến vẫn chưa chụp đủ thành viên. Ròng rã 2 năm qua, chồng chị - Thiếu tá cảnh sát cơ động Nguyễn Đức Hiệt vẫn nhiệm vụ nối nhiệm vụ ở khắp các tuyến đầu chống dịch.

Xót con, thương cháu, 2 năm qua, ông bà nội cứ ngược xuôi đi lại giữa Hà Nội - Hải Dương để hậu phương thêm vững vàng.

Hay với vợ chồng bác sĩ Trang - Đạt, đã hơn 1 tháng qua, họ cũng chỉ được gặp nhau qua màn hình điện thoại.

Vì có người xông pha mới có người ở lại. Các gia đình cứ thế mà hình thành tiền tuyến - hậu phương. Những công việc thường ngày đều do vợ làm thì giờ đã dần trở nên quen thuộc đối với anh Sang. Vợ anh là một trong những điều dưỡng đăng ký chi viện tại Bắc Giang.

Thiếu vắng đi những trụ cột gia đình nhưng nếp nhà vẫn được gìn giữ. Bữa cơm sum họp của gia đình Trung tá Phạm Ngọc Viện vẫn được người vợ hiền chăm chút đủ đầy.

Một hậu phương vững chắc sẽ là điểm tựa tinh thần lớn nhất, tiếp sức cho những y bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Yêu thương nơi tuyến đầu

Khó đong đếm hết những hi sinh, vất vả của mỗi gia đình trong những ngày tháng dịch bệnh căng thẳng này. Hơn ai hết, những cán bộ, bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu thấu hiểu những tình cảm đáng quý nơi hậu phương quê nhà. Từ tâm dịch, các anh, các chị xin gửi về quê hương, gia đình những lời nhắn gửi yêu thương.

Gia đình - Nơi gắn kết mọi thành viên trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 5.

Kể từ khi Bắc Giang xuất hiện dịch COVID-19 đến nay đã hơn 1 tháng. Trong hơn 1 tháng hòa mình vào công cuộc chống dịch là bấy nhiêu ngày tháng các y, bác sĩ, chiến sĩ phải xa gia đình.

Điều dưỡng Nhung chưa nguôi nỗi đau chồng mất, lại dứt lòng gửi lại 2 con thơ phương xa. Trong số họ, có người nhà ngay cổng bệnh viện, có người từ tỉnh xa về chi viện. Khoảng cách vài bước chân hay vài trăm km trong tâm dịch cũng trở nên vô cùng.

Những ngày tháng 6, nơi tuyến đầu, các lực lượng đang đan tay nhau tạo nên lá chắn thép. Càng mạnh mẽ, quyết tâm bao nhiêu thì tình cảm cho hậu phương gia đình cũng nồng ấm bấy nhiêu.

Ngày lễ năm nay có lẽ là ngày lễ gia đình đặc biệt nhất. Không có món quà trao nhau, thiếu đi tấm hình kỷ niệm và vắng cả bữa cơm sum vầy. Yêu thương xin gửi cả trong lời chúc chân tình.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc