Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Báo động tình trạng trẻ em tử vong do Covid-19 cao bất thường tại Indonesia

15:17, 26/07/2021

Tỷ lệ trẻ em tử vong do Covid-19 tại Indonesia cao hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới và điều này đã thách thức quan điểm cho rằng, trẻ em ít gặp nguy cơ rủi ro hơn so với người lớn nếu mắc Covid-19.

Số liệu đáng báo động

Hàng trăm trẻ em Indonesia đã chết vì nhiễm virus SARS-CoV-2 chủng mới trong những tuần gần đây, trong số này có nhiều trẻ dưới 5 tuổi. Các chuyên gia y tế đánh giá, tỷ lệ trẻ em tử vong do Covid-19 tại Indonesia cao hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới và điều này đã thách thức quan điểm cho rằng, trẻ em ít gặp nguy cơ rủi ro hơn so với người lớn nếu mắc Covid-19.

Một bà mẹ và hai cô con gái sinh đôi 7 tuổi tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Một bà mẹ và hai cô con gái sinh đôi 7 tuổi tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Theo tờ New York Times, tỉ lệ tử vong do Covid-19 ở trẻ em tại Indonesia đang là hơn 100 ca/tuần vào tháng 7, trong bối cảnh nước này phải chứng kiến sự gia tăng số ca mắc lên đến mức đỉnh điểm. Các nhà lãnh đạo tại Indonesia đã đối mặt với những lời chỉ trích cho rằng họ chưa có sự chuẩn bị và hành động quá chậm chạp khi ứng phó với dịch bệnh.

Tiến sĩ Aman Bhakti Pulungan, chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Indonesia cho biết: “Con số ca mắc Covid-19 và tử vong của chúng tôi là cao nhất trên thế giới. Tại sao chúng ta không dành những điều tốt đẹp nhất cho con em của chúng ta?”.

Sự gia tăng số ca tử vong ở trẻ em tại Indonesia diễn ra cùng thời điểm biến thể Delta lây lan mạnh mẽ trên khắp khu vực Đông Nam Á – nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Biến chủng này đã gây ra các đợt bùng phát kỷ lục không chỉ ở Indonesia mà còn ở Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Việt Nam.

Indonesia- quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới, trong tháng 7 này đã vượt qua Ấn Độ, Brazil về số ca mắc tính theo ngày và trở thành tâm dịch mới. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nước này bị cho là cao hơn mức trung bình toàn cầu. Riêng trong ngày 25/7, Indonesia đã ghi nhận 38.679 ca mắc và 1.266 ca tử vong.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Indonesia. Ảnh: Reuters

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Indonesia. Ảnh: Reuters

Trẻ em không còn là “nạn nhân vô hình”

Tiến sỹ Aman, trích dẫn báo cáo của các bác sỹ nhi khoa cho biết, trẻ em hiện chiếm 12,5% trong tổng số ca mắc chính thức của Indonesia, cao hơn so với những tháng trước. Trong một tuần bắt đầu ngày 12/7, hơn 150 trẻ em đã tử vong vì Covid-19, một nửa trong đó là trẻ dưới 5 tuổi.

Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca mắc và 83.279 ca tử vong. Theo các chuyên gia y tế, con số thực tế còn cao hơn gấp nhiều lần do tỷ lệ xét nghiệm vẫn còn hạn chế.

Chuyên gia Alexander Raymond Arifianto thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng, chính phủ đã quá chủ quan ở giai đoạn đầu của dịch bệnh và tiếng nói của các chuyên gia về cách thức ứng phó tốt nhất với đại dịch đã không được lắng nghe kỹ lưỡng.

Ngày 25/6 vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gia hạn các biện pháp hạn chế đối với việc tụ tập đông người và hoạt động thương mại đến ngày 2/8 nhưng ông lại nới lỏng một số hạn chế khác, chẳng hạn như cho phép các khu chợ truyền thống được nối lại hoạt động như bình thường song phải thực hiện một số quy định về y tế.

Tiến sỹ Aman cho biết, hơn 800 trẻ em ở Indonesia dưới 18 tuổi đã tử vong vì mắc Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng phần lớn ca tử vong trong số này xảy ra trong vòng 1 tháng qua.

“Trẻ em vẫn luôn được coi là nạn nhân vô hình của đại dịch này. Điều đó hiện nay đã không còn đúng nữa”, Tiến sĩ Yasir Arafat, cố vấn y tế tại châu Á cho tổ chức phi lợi nhuận Save the Children lưu ý.

“Không chỉ các quốc gia như Indonesia đang chứng kiến số trẻ em tử vong do Covid-19 cao kỷ lục, mà chúng tôi cũng đang thấy sự gia tăng báo động tình trạng trẻ em không được tiêm chủng và thiếu sự cung cấp dinh dưỡng thiết yếu. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo lớn”.

Nguyên nhân khiến số ca tử vong ở trẻ em ngày càng cao

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ em tăng cao. Các bác sỹ cho biết, một số trẻ có thể dễ bị tổn thương trước virus do có những bệnh lý nền như suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường và bệnh tim.

Một yếu tố khác là tỷ lệ tiêm chủng ở Indonesia tương đối thấp. Theo dữ liệu từ Our World in Data, đến nay, chỉ có 16% dân số ở Indonesia được tiêm 1 liều vaccine và 6% được tiêm đầy đủ. Giống như nhiều quốc gia khác, Indonesia không tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi. Gần đây, nước này mới bắt đầu tiêm cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi.

Bên cạnh đó, là sự quá tải đối với hệ thống y tế. Nhiều bệnh viện tại nước này đã phải hoạt động hết công suất từ đợt bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 3. Bệnh nhân phải nằm ở hành lang hoặc các khu lều tạm để chờ giường trống. Rất ít bệnh viện được trang bị để chăm sóc cho trẻ em mắc Covid-19.

“Nếu trẻ em bị ốm chúng ta sẽ đưa chúng tới đâu? Đến phòng cấp cứu? Trong khi các khu cấp cứu thì đông nghịt người lớn. Như những gì chúng ta chứng kiến suốt nhiều tuần qua, người bệnh phải chờ ở phòng cấp cứu trong nhiều ngày. Vậy làm sao chúng ta có thể hy vọng trẻ em chịu đựng được điều ấy?”, ông Aman nói.

Do các bệnh viện quá tải nên khoảng 2/3 số bệnh nhân trưởng thành phải cách ly tại nhà, điều này làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho trẻ em, Edhie Rahmat, giám đốc điều hành chi nhánh tại Indonesia của tổ chức chăm sóc y tế phi lợi nhuận Project HOPE cho biết.

Trẻ sơ sinh cũng gặp rủi ro do bạn bè, hàng xóm và họ hàng đến thăm để chúc mừng đứa bé ra đời theo tập tục truyền thống. “Nhiều em bé được ra viện với kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhưng sau đó mắc Covid-19 và tử vong sau khi được hàng xóm và các thành viên trong gia đình đến thăm. Thật đau lòng”, ông Edhie nói.

Tiến sỹ Aman cho biết, việc giáo dục cộng đồng và khuyến khích người dân tuân thủ các quy định y tế sẽ là một khởi đầu tốt trong việc bảo vệ trẻ em. “Tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của người lớn. Họ không đeo khẩu trang. Họ đưa con cái đến những nơi đông người”.

Theo Tiến sĩ Windhu Purnomo, giảng viên về dịch tễ học tại Đại học Airlangga ở Surabaya, Indonesia – một quốc đảo rộng lớn với 17.500 hòn đảo, cũng nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ xét nghiệm thấp. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin đã đặt mục tiêu thực hiện 400.000 xét nghiệm mỗi ngày, nhưng nước này chưa bao giờ tiến gần đến con số đó. Tuần trước, số lượng xét nghiệm đã giảm xuống dưới 115.000.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính, nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Tại Indonesia, con số này cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Ông Windu nhận xét: “Những con số trên cho thấy các biện pháp hạn chế khẩn cấp có rất ít tác dụng trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh”.

Bộ trưởng Điều phối hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan – chịu trách nhiệm giám sát phản ứng với Covid-19 của Indonesia tuần trước cam kết, chính phủ sẽ tăng cường xét nghiệm, truy vết  và mở thêm các trung tâm cách ly, đặc biệt là ở những khu dân cư đông đúc./.

Nguồn: VOV


Ý kiến bạn đọc