Dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày cho biết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra với nhiều vấn đề được xem xét, quyết định.
100% đại biểu Quốc hội có mặt (469/469) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 28/7.
Theo đó, tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét các báo cáo: Tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, xác nhận tư cách ĐBQH khóa XV; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Quyết định về công tác nhân sự trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Quyết định số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cơ cấu tổ chức và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán TAND Tối cao; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch, một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Quốc hội thông qua các nghị quyết về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025: phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019; hai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022; thành lập đoàn giám sát chuyên đề và thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát đại dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước mà nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra.
Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, sự chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ cán bộ ngành y tế, quân đội, công an, các tình nguyện viên… trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Quốc hội trân trọng sự đồng hành, tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tinh thần tự giác, trách nhiệm, tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và sự đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các biến chủng mới như Delta hoặc những biến chủng khác có khả năng tiếp tục xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, số lượng người mắc bệnh, tử vong tăng nhanh, nguồn cung ứng vaccine trên toàn thế giới còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, là những thách thức rất lớn đối với nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tác động rất tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đòi hỏi phải có các giải pháp ứng phó kịp thời, đồng bộ, phù hợp, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương:
Chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 124/2020/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.
Chủ động điều hành ngân sách Nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua, đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách.
Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vaccine; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật và xử lý nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định của pháp luật.
Khẩn trương rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện các biện pháp cho đến hết ngày 31/12/2022 và phải báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện có hiệu quả và tăng cường tuyên truyền, phổ biến để sớm đưa các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống; khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giám sát, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Quốc hội kêu gọi cả hệ thống chính trị và toàn dân, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm nỗ lực vượt mọi khó khăn để thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch COVID-19, đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết, vừa phải phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Nguồn: http://www.baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc