Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Thách thức duy trì kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh: Vừa chống vừa xây

13:15, 03/07/2021

Ở những địa phương nhiều khu công nghiệp, khi dịch COVID-19 tấn công, thiệt hại kinh tế càng trầm trọng. Điều này đặt ra thách thức duy trì kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Đợt dịch thứ tư kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, mức độ ảnh hưởng cũng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt lần này, dịch tấn công vào những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, đông công nhân, đó là Bắc Ninh, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương - với tốc độ lây lan nhanh, diện rộng, kéo theo nhiều hệ lụy về cả phương diện y tế lẫn kinh tế. Làm gì để vừa chống dịch, vừa duy trì kinh tế, tiến tới phục hồi nền kinh tế của địa phương sau dịch, là một thách thức lớn, đồng thời là phép thử quan trọng đối với năng lực ứng phó của từng địa phương

Hài hòa giữa chống dịch và duy trì kinh tế

Thách thức duy trì kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh: Vừa chống vừa xây - Ảnh 1.

Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, tỉnh Bắc Ninh đã linh hoạt, sáng tạo khi quyết định bố trí 50% người lao động có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 làm việc giãn cách và lưu trú tập trung.

Còn với những địa phương đã chuyển sang trạng thái bình thường mới công nhân đã có thể về khu nhà trọ, nhưng phải cam kết chỉ đi một tuyến đường. 21h, tất cả cửa hàng kinh doanh, chủ nhà trọ phải đóng cửa....

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự, Công ty Hon Yao Fu, Bắc Ninh, cho biết: "Tất cả nhân viên trong nhà xưởng ký cam kết. Thứ nhất là cam kết đối với công ty chỉ được đi làm và quay về nơi cư trú tạm thời. Thứ hai là chủ nhà trọ cũng phải cam kết phòng chống dịch tại nơi cư trú.

Hiện gần 1.000 doanh nghiệp với trên 255.000 công nhân ở Bắc Ninh làm việc trong điều kiện an toàn phòng dịch. Sự linh hoạt để duy trì chuỗi sản xuất là nhân tố rất quan trọng giúp cho chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh 6 tháng đầu năm tăng 11,8%; xuất khẩu đạt 19 tỉ USD (tăng 29,7%).

Còn tại Bắc Giang, các điểm chốt kiểm soát dịch COVID-19 vẫn duy trì, kiểm soát chặt chẽ người ra vào địa bàn.

Tại huyện Việt Yên, nơi vẫn đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, người lao động từ các địa phương không phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội đến làm việc tại khu công nghiệp theo các tuyến đường dành riêng. Đây là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất.

Ông Koh Jeung Man, Giám đốc Công ty Hana Kovi, cho biết: "Công nhân của chúng tôi đã được tiêm vaccine. Chúng tôi có riêng một bộ phận y tế, theo dõi sức khỏe công nhân; bố trí thời gian nghỉ cho công nhân thành hai ca, ăn ca làm hai, ba đợt thay vì một đợt như trước, không sử dụng điều hòa mà hệ thống quạt mát hoạt động hết công suất. Người công nhân có ý thức phòng dịch để duy trì được việc làm".

Thách thức duy trì kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh: Vừa chống vừa xây - Ảnh 2.

Kinh tế của tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Ảnh: BGP.

Dịch COVID-19 bùng phát tại Bắc Giang khiến hơn 350 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

Hiện các doanh nghiệp đã sản xuất trở lại. Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu, đến hết tháng này,khoảng 30.000 lao động đi làm trở lại; tăng lên 50.000 người vào tháng 8 và đến hết tháng 10 đạt khoảng 100.000 người.

Đồng Nai khẩn trương chống dịch COVID-19

Ngay vào lúc này, khi dịch COVD-19 đã lắng dịu ở 2 điểm nóng Bắc Ninh và Bắc Giang, tại các tỉnh phía Nam, dịch COVID-19 đang diễn biến căng thẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh và lan ra các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai với số ca dương tính đang tăng lên. Đây là các tỉnh thành tương tự như Bắc Ninh, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, số lượng công nhân đông và sống tập trung.

Nằm sát tâm dịch thàn phố Hồ Chí Minh, nguy cơ bùng dịch COVID-19 ở Đồng Nai là rất lớn. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bên cạnh những chốt kiểm dịch được dựng lên ở những cửa ngõ ra vào chính của tỉnh, công tác phòng chống dịch cũng được tăng cường ở tất cả các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp.

Tại cảng Đồng Nai, một trong những đầu mối giao thương kinh tế trọng điểm ở khu vực phía Nam, doanh nghiệp ý thức được rằng an toàn cho sản xuất và sức khỏe người lao động là vấn đề mang tính sống còn. Hệ thống sát khuẩn tự động được lắp đặt để sát khuẩn cho tất cả những ai đến làm việc tại đây. Thông tin cảnh báo dịch bệnh liên tục được phát đi để nhắc nhở, cảnh báo mọi người tăng cường ý thức phòng chống dịch.

Ông Hà Anh Dung, Giám đốc hành chính Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai, nói: "Đối với cán bộ công nhân viên, chúng tôi bố trí làm việc luôn phiên. 50% đi làm để giảm bớt số lượng. Bên cạnh đó triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện đã có 1/3 cán bộ công nhân, khoảng 90 người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và test PCR cho tất cả cán bộ công nhân viên".

Khó khăn còn ở phía trước nhưng Đồng Nai đang quyết liệt trong công tác phòng chống dịch hiệu quả vừa duy trì tốc độ phát triển kinh tế. An toàn sản xuất được đảm bảo. Kết quả tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt gần 7%.

Đợt dịch thứ 4 này vẫn đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Chính vào lúc này những kinh nghiệm chống dịch thành công, những bài học trong việc đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế lại càng quý giá và cần chia sẻ hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, do mỗi địa phương lại có những đặc thù riêng, với mức độ lây lan dịch bệnh khác nhau nên cần có sự linh hoạt, chủ động, ứng biến trong quá trình đối phó với dịch bệnh. Chính vì vậy, tiêm vaccine ngừa COVID-19 được coi là phép thử đối với năng lực quản lý, điều hành và sự quyết liệt của từng địa phương. Không chỉ trong quá trình chống dịch, mà còn trong cả quá trình hồi phục sau dịch.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc