Cần tập trung trí tuệ, để đảm bảo chất lượng làm luật ngay từ những dự luật đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ngày 17/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ hai và là phiên thường kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự thảo luật Thi đua Khen thưởng sửa đổi; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; báo cáo về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và một số nội dung quan trọng khác.
Về Dự thảo luật Thi đua Khen thưởng sửa đổi, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo Luật đã đề nghị đổi tên danh hiệu thi đua gia đình, thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa thành gia đình, thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu, đồng thời đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng gồm Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và Huân chương Dũng cảm.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là sản phẩm đầu tiên về lập pháp của Quốc hội khoá XV, vì thế, việc đảm bảo chất lượng của luật chính là cụ thể hoá lời hứa trước cử tri trong công tác xây dựng pháp luật. Trên tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, đóng góp ý kiến, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp, luật vừa ban hành đã phải sửa.
Nhấn mạnh hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm, chu đáo, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý thi đua, khen thưởng phải bao quát toàn bộ hệ thống chính trị, bảo đảm tính công bằng và hướng đến cơ sở, người trực tiếp sản xuất; khắc phục tình trạng khen thưởng gối đầu, bệnh thành tích, chạy danh hiệu, thi đua, dùng tiền mua giải thưởng hoặc có trường hợp vừa phong anh hùng xong đã bị xử lý.
Cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị các cơ quan liên quan cần quyết liệt hơn nữa trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH và hạn chế hưởng BHXH một lần; khẩn trương trình các biện pháp xử lý tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện tồn đọng kéo dài, rà soát, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020 để đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, BHXH là quỹ lớn thứ hai chỉ sau ngân sách nhà nước, hình thành theo nguyên tắc đóng hưởng vì thế phải quản lý quỹ hết sức chặt chẽ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN
Cho ý kiến vào báo cáo về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất tiêu chí dân số là tiêu chí chính để phân bổ ngân sách cho các địa phương. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét định mức phân bổ chi cho sự nghiệp y tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí việc Chính phủ đề nghị phân bổ thêm định mức chi cho 3 địa phương gồm Nghệ An, Thanh Hoá và Thừa Thiên Huế; đề nghị rà soát nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7 năm tới theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tại phiên họp cho ý kiến về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với việc thực hiện Pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 và việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tinh thần là phải làm đến nơi đến chốn, không ngại va chạm, đồng thời làm tốt công tác phối hợp để phát huy được sức mạnh cả hệ thống chính trị.
Cũng trong chiều 17/8, Ủy ban thường vụ Quốc hôi đã xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc về việc phân định miền núi, vùng cao làm căn cứ để Nhà nước ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội các địa phương miền núi.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc