Việt Bắc tự hào là thủ đô kháng chiến, một trong những căn cứ địa vững chắc chở che và xây dựng lực lượng Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.
Tháng 5/1945, trên đường từ Pác Bó, Cao Bằng về Tân Trào, Tuyên Quang, Bác Hồ cùng đoàn công tác đã dừng chân khoảng 3 ngày tại thôn Nà Kiến, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ngôi nhà Bác ở tạm là của người bác ruột cậu bé Ma Văn Vàng. Khi đó, Vàng mới 13 tuổi nhưng đã cùng người dân thôn Nà Kiến bảo vệ Bác và những cán bộ trong đoàn.
Ông Ma Văn Vàng nhớ lại: "Bác ở được 2-3 ngày thì lại đi. Khi đi, Bác bắt tay và dặn mọi người phải đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công".
Sau đó ít ngày, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng đến ở tại thôn Kim Long (nay là thôn Tân Lập), xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang để trực tiếp lãnh đạo phong trào khởi nghĩa. Ngôi nhà sàn nơi Bác ở trước khi chuyển lên lán Nà Nưa nằm kế ngôi nhà ông Hoàng Ngọc, khi đó mới 9 tuổi. Trong cuộc nói chuyện với đồng bào trong thôn, Bác đã gợi ý đổi tên thôn Kim Long thành Tân Lập với mong muốn người dân sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Ngày 16/8, nhiều người dân trong xã đã đến ủng hộ lương thực và chào mừng Quốc dân đại hội tại đình Tân Trào, còn ông Hoàng Ngọc chẳng bao giờ quên hình ảnh dưới gốc đa của làng Tân Lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tiến quân về Thái Nguyên, Hà Nội.
"Chiều hôm ấy, mọi người xếp hàng dưới gốc đa này, bắt đầu hát bài Tiến quân ca, hát xong bác Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1 rồi giơ tay tuyên thệ. Tất cả cùng hô vang. 3 phát súng hiệu lệnh được bắn, đoàn quân tiến về tỉnh Thái Nguyên và Hà Nội bảo vệ cuộc khởi nghĩa, trước sự chứng kiến của nhân dân ở đây và đại biểu dự Đại hội ngay dưới gốc đa này", ông Ngọc kể lại.
Cùng với không khí sục sôi giành chính quyền của cả nước, người dân các tỉnh Việt Bắc đã nhất tề đứng lên và chỉ trong 3 ngày (từ 20 đến 23/8/1945), các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn… đều giành được thắng lợi.
Ông Nguyễn Chức (89 tuổi), hiện sinh sống tại xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng nhớ lại: "Thời kỳ Cách mạng tháng Tám thành công, tôi còn nhỏ, nhưng chứng kiến tận mắt phong trào cách mạng lúc đấy. Với tinh thần quê hương cách mạng, người dân ở Thạch An đều phấn khởi tham gia phong trào cách mạng tháng Tám, khắp nơi, già trẻ cùng xuống đường để giành chính quyền. Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống của quê hương cách mạng, nhất là nơi đã được đón Bác Hồ về nước hoạt động".
Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong mỗi bước đi của cách mạng Việt Nam, đồng bào các dân tộc Việt Bắc luôn một lòng son sắt theo Đảng, theo Cách mạng đánh đuổi thực dân, phong kiến. Khi nước nhà độc lập, đồng bào lại cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, ấm no để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ đã không tiếc máu xương cho sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước hôm nay./.
Nguồn: VOV.VN
Ý kiến bạn đọc