Vì sự bình yên và sức khỏe của người dân, những cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân không quản ngại vất vả, hy sinh, ngày đêm căng mình “cắm chốt”, làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ tình hình an ninh trật tự.
Ngày 19/8 hàng năm không chỉ gợi nhớ một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đó là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 mà còn là thời điểm ghi dấu sự ra đời của lực lượng Công an nhân dân.
Những chiến binh quả cảm trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh
76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng công an nhân dân không quản ngày đêm, không ngại khó khăn, nguy hiểm, kiên quyết, kiên trì đấu tranh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, vì bình yên cho mỗi gia đình.
Đặc biệt, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhất là sự bùng phát làn sóng thứ 4 của đại dịch, lực lượng Công an nhân dân đã xung kích phát huy vai trò, phương châm “Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an là một chiến sĩ tiên phong tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch”.
Vì sự bình yên và sức khỏe của người dân, những cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân không quản ngại vất vả, hy sinh, ngày đêm căng mình “cắm chốt”, làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ tình hình an ninh trật tự, góp phần ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Cũng trên tuyến đầu xung kích, từ gian khổ, khó khăn đó đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân chấp nhận rủi ro, bị lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình thực thi nhiệm vụ để bảo đảm cuộc sống bình yên, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Những ngày đầu tháng 8 này, người dân cả nước vô cùng xúc động khi nghe tin Trung úy Nguyễn Văn Chiến, (26 tuổi, Công an H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị một xe tải tông vào dẫn đến tử vong. Anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 trên Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Trung uý Nguyễn Văn Chiến là con trai cả trong gia đình của 4 anh chị em, cha đang đi làm trong miền Nam, mẹ ở nhà làm ruộng. Trung úy Chiến vừa được điều xuống tăng cường cho chốt kiểm soát dịch bệnh thì gặp nạn.
Thượng úy Phan Tấn Tài hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Trước đó, tại TP. HCM, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phòng chống dịch, tổ công tác có Thượng úy Phan Tấn Tài, trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy CAQ 6 phát hiện một đối tượng nghi vấn sử dụng ma túy. Do đối tượng phóng xe bỏ chạy nên tổ tuần tra đuổi theo. Trong quá trình truy đuổi, đối tượng này đã ép xe khiến Thượng úy Phan Tấn Tài lao lên vỉa hè, va đập vào tường nhà dân dẫn đến tử vong.
Thượng úy Phan Tấn Tài (SN 1992, quê Long An) hy sinh khi đang được trưng dụng tăng cường cho Công an Phường 10 tham gia phòng chống dịch Covid-19). Kể từ khi TP áp dụng Chỉ thị số 16, thượng úy Tài đã trực chiến tại đơn vị 24/24, không quản ngại khó khăn, gian khổ để cùng các lực lượng chức năng tham gia thực hiện công tác phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quận 6. Sự hy sinh của thượng úy Tài là mất mát to lớn đối với gia đình, người thân, lực lượng Công an quận 6 nói riêng và Công an TP HCM nói chung.
Hay mới đây, Đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh, Phó trưởng Công an xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) trong lúc làm nhiệm vụ thực hiện truy vết COVID-19 không may bị nhiễm SARS-CoV-2 và hy sinh sau nhiều ngày được điều trị tích cực. Những mất mát hy sinh không thể đo đếm được, khẳng định phẩm chất cách mạng, tinh thần, ý chí chiến đấu bền bỉ và quyết tâm chiến thắng của người chiến sỹ Công an nhân dân.
Thời gian qua, toàn lực lượng Công an đã nỗ lực, cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng, địa phương tích cực tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19; nhiều cán bộ, chiến sỹ (CBCS) đã phải căng mình, ngày đêm thường trực cao điểm để phòng, chống đẩy lùi dịch Covid-19, duy trì ANTT, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; đã có nhiều tấm gương sáng của CBCS Công an được các cấp, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động thực hiện tốt công tác bảo đảm ANTT, giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, không để xảy ra bị động, bất ngờ...
Tại Hà Nội, từ ngày 14/7 đến nay, 23 chốt kiểm soát phương tiện tại các cửa ngõ lớn ra, vào Thủ đô do Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng lực lượng chức năng triển khai nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi chốt kiểm soát có 11 cán bộ tham gia ứng trực. Các chốt này có nhiệm vụ kiểm soát phương tiện vận tải, xe ôtô cá nhân, xe máy (các địa phương giáp ranh có dịch); đảm bảo an ninh, trật tự.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Công an thành phố đã chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trên địa bàn theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với việc đảm bảo an ninh trật tự, các biện pháp phòng, chống dịch trong các trại giam, trại tạm giữ, đảm bảo “vùng xanh” được tăng cường, không để lây nhiễm lan rộng trong các cơ sở giam giữ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh; phân luồng, thông tuyến, tạo điều kiện cho người dân, người lao động đang ở tại Thành phố Hồ Chí Minh trở về các địa phương, không để xảy ra tình trạng ùn tắc, “điểm nóng” về an ninh trật tự. Tuyên truyền, kêu gọi chủ nhà trọ trên địa bàn miễn, giảm tiền trọ để người lao động yên tâm ở lại các khu công nghiệp vừa sản xuất, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Ngày 15/8, Bộ Công an đã phát động phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề “Lực lượng Công an nhân dân - Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Phong trào nhằm động viên, khích lệ, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng Công an nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự lực, tự cường, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, tích cực tham gia tuyến đầu phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi, chặn đứng dịch COVID-19; giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tính mạng và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.
Trong đó, phong trào thi đua đặc biệt nhấn mạnh cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân trên cả nước làm tốt công tác dân vận; tăng cường các hoạt động, việc làm bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống của nhân dân. Tiếp tục phát huy truyền thống “tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", giúp đỡ nhân dân ở các vùng dịch, vùng sâu, vùng xa ổn định cuộc sống, tăng gia sản xuất. Công an các đơn vị, địa phương làm tốt hơn nữa các hoạt động tri ân, giúp đỡ các gia đình chính sách, người nghèo, người khuyết tật, người yếu thế bằng những việc làm thiết thực như xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần để nhân dân vượt qua khó khăn, chung sức, đồng lòng với Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an nhân dân đẩy lùi dịch COVID-19./.
Nguồn: VOV.VN
Ý kiến bạn đọc