Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Thế giới ghi nhận hơn 213 triệu ca mắc COVID-19, Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng

07:54, 24/08/2021

Tính đến sáng nay, thế giới đã ghi nhận hơn 213 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 4,45 triệu trường hợp tử vong.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 19/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng dịch COVID-19. Bộ Y tế Lào ngày 23/8 ghi nhận 152 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 87 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 65 ca cộng đồng. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 12.621 ca mắc COVID-19, trong đó có 11 ca tử vong. Trước tình hình số ca bệnh tiếp tục tăng cao, Bộ Y tế Lào đang bố trí mở thêm trung tâm điều trị dã chiến ở thủ đô Vientiane từ 3 địa điểm lên 5 địa điểm. Hai địa điểm mới có thể tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân.

Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 16 ca tử vong và 410 ca mắc COVID-19, bao gồm 132 ca nhập cảnh và 278 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 89.641 ca mắc COVID-19, trong đó 85.618 người đã hồi phục và 1.808 người tử vong. Số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh tiếp tục tăng, đặc biệt tại 8 tỉnh giáp biên giới Thái Lan. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có xu hướng dịu bớt, Bộ Du lịch Campuchia dự kiến mở cửa trở lại ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Giới chức Philippines cùng ngày thông báo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) nước này đã phê duyệt cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 - Sputnik Light của Nga. Theo đó, Philippines trở thành nước đầu tiên tại châu Á phê duyệt loại vaccine một liều tiêm này.

Thủ đô Jakarta của Indonesia đã được xếp vào "vùng xanh" và đạt "miễn dịch cộng đồng" nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng vọt. Khoảng hơn nửa cư dân Jakarta đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và hầu hết cư dân đã được tiêm mũi 1. Phó Thống đốc thủ đô Jakarta Patria đưa ra nhận định trên một ngày trước khi Tổng thống Indonesia ra quyết định về khả năng gia hạn các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm chống dịch COVID-19. Bất chấp tình hình dịch bệnh có dấu hiệu cải thiện, Indonesia vẫn ghi nhận hơn 12 nghìn ca mắc mới trong ngày 22/8.

Thế giới ghi nhận hơn 213 triệu ca mắc COVID-19, Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng - Ảnh 1.

Cảnh sát kiểm tra người lưu thông nhằm đảm bảo người dân tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19 tại một chốt kiểm soát ở thành phố Quezon, Philippines ngày 6/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đông Bắc Á, Trung Quốc đại lục ngày 22/8 không ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng và không có ca tử vong. Báo cáo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết có 21 ca nhập cảnh. Hiện toàn bộ thành phố Bắc Kinh đã được đưa ra khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ cao và trung bình do dịch COVID-19.

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm đã ở mức dưới 1.500 ca/ngày. Cụ thể, số liệu từ Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh (KDCA) ngày 23/8 cho thấy số ca nhiễm mới là 1.418 ca, trong đó có 1.370 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lần 237.782 ca. Sau 6 tuần áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt ở khu vực Seoul, làn sóng lây nhiễm thứ 4 vẫn không có dấu hiệu giảm bớt vì biến thể siêu lây nhiễm Delta đang làm phức tạp thêm các biện pháp phòng chống dịch.

Chính phủ Nhật Bản và chính quyền thủ đô Tokyo đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tại Tokyo hợp tác trong việc tiếp nhận bệnh nhân, đảm bảo số giường điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Các cơ sở từ chối yêu cầu hợp tác sẽ bị nêu tên trên cổng thông tin công khai. Ngoài ra, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, từ ngày 23/8, chính quyền thành phố Tokyo đưa vào hoạt động một trạm hỗ trợ oxy cho bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ.

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 23/8 ghi nhận 25.072 ca mắc COVID-19 mới, thấp nhất trong 160 ngày. Số người tử vong tăng lên 434.756 người với 389 ca mới tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 của Ấn Độ đã tăng lên 32.449.306 người, trong khi tỷ lệ phục hồi trên toàn quốc đã tăng lên 97,63%, cao nhất kể từ tháng 3/2020. Số ca dương tính hiện nay của Ấn Độ đã giảm xuống 333.924 ca, thấp nhất trong 155 ngày, chiếm 1,03% tổng số ca nhiễm, thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Thế giới ghi nhận hơn 213 triệu ca mắc COVID-19, Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 19/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Đại Dương, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nghiêm ngặt phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, nhấn mạnh đợt bùng phát dịch hiện nay chưa lên tới đỉnh điểm. Theo đó, lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 sẽ được gia hạn thêm 3 ngày, đến nửa đêm 27/8, trong khi thành phố Auckland - tâm điểm của đợt bùng phát dịch hiện nay - sẽ thực hiện các hạn chế đến hết ngày 31/8.

Tại Australia, bang New South Wales (NSW) ngày 23/8 thông báo ghi nhận 818 ca nhiễm mới trong cộng đồng trong vòng 24 giờ tính đến 20h tối 22/8 theo giờ địa phương. Đây là ngày thứ ba liên tiếp bang này ghi nhận số ca nhiễm mới cao trên 800 ca/ngày. Bang này cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong trong đợt bùng phát dịch từ ngày 16/6 đến nay lên 74 trường hợp.

Tại Trung Đông, Israel thông báo sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại sân trường trong bối cảnh các trường học dự kiến khai giảng theo đúng lịch vào tuần tới dù số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh. Các lãnh đạo Israel cho biết đang nỗ lực triển khai biện pháp cần thiết để tránh phải đóng cửa các trường học do đại dịch COVID-19. Thống kê cho thấy khoảng 30% số trẻ em từ 12 - 15 tuổi tại Israel đã được tiêm đủ liều vaccine, ít hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác.

Tại châu Âu, Nga thông báo ghi nhận 19.545 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu lần đầu tiên số ca mắc trong ngày dưới mức 20.000 ca trong vòng 2 tháng qua tại quốc gia này. Nước này cũng ghi nhận 776 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 lên 176.820 ca. Tính đến nay, Nga ghi nhận 6.766.541 ca mắc COVID-19.

Cơ quan y tế Thụy Điển ngày 23/8 nhận định những tháng tới sẽ là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Cơ quan này cũng cho rằng các biện pháp hạn chế và khuyến nghị hiện nay, chủ yếu là để hạn chế tiếp xúc xã hội, cách ly người ốm hoặc làm việc từ xa khi có thể, nên được duy trì cho tới khi có thêm nhiều người được tiêm phòng. Tính đến nay, Thụy Điển ghi nhận tổng cộng hơn 1,11 triệu ca mắc bệnh, trong đó có hơn 14.600 ca tử vong vì COVID-19.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc