Từ ngày 1/10, TP.HCM sẽ chuyển về trạng thái bình thường mới sau gần 4 tháng cách ly. Với số ca mắc vẫn ở ngưỡng 4 con số, TP.HCM cần có những giải pháp y tế như thế nào đi kèm?
Phóng viên VOV đã trao đổi cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM về những đề xuất giải pháp y tế cần có gắn chặt với hoạt động kinh tế - xã hội địa phương cho trạng thái bình thường mới ở TP.HCM.
PV: Với số ca mắc Covid-19 trong 10 ngày qua tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức trên dưới 4.000 ca/ngày, bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã đề xuất với TP những giải pháp như thế nào kể từ 1/10, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 TP và ngành y tế đã đề xuất một số biện pháp điều chỉnh phù hợp với trạng thái bình thường mới. Ngành y tế cũng xây dựng chiến lược xét nghiệm mới phù hợp với điều kiện bình thường mới theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đó là an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả Covid-19 trong tình hình mới.
Trong chiến lược này, chúng tôi lấy người dân làm chủ thể, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch khai thác hiệu quả các nguồn lực, linh hoạt thực hiện tùy theo diễn biến của dịch bệnh trong tình hình mới. Chúng tôi cũng đưa ra khuyến cáo vấn đề xã hội hóa trong công tác xét nghiệm. Đây là những nội dung có sự thay đổi linh hoạt hơn so với kế hoạch, chiến lược đã xét nghiệm trước đây.
PV: Qua hơn 4 tháng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, để có thể vừa lao động, sản xuất trở lại vừa duy trì được những thành quả trong phòng, chống dịch, chúng ta có những bài học kinh nghiệm như thế nào trong chặng đường dài phía trước, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Bài học có nhiều, trong đó thực hiện giãn cách xã hội là một giải pháp cực kỳ cần thiết. Nếu chúng ta thực hiện được việc giãn cách xã hội này một cách nghiêm túc ở tất cả các địa phương thì khả năng lây lan của dịch sẽ giảm đi đáng kể.
Thứ hai là vấn đề xét nghiệm diện rộng theo vùng nguy cơ có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt sử dụng các xét nghiệm có hiệu quả nhanh đối với vùng đỏ như test nhanh kháng nguyên, cùng với thời gian lặp lại đảm bảo được tốc độ, chúng ta sẽ giảm được sự lây lan của virus. Đồng thời phát hiện được các trường hợp F0 để sớm tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc, theo dõi y tế, kiểm soát không để lây lan ra cộng đồng.
Thứ ba, một số địa phương đã thực hiện rất hiệu quả việc xét nghiệm F0 tại nhà. Điều này giúp chúng ta có thể nắm được số lượng ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, đồng thời giúp cho các đối tượng này có thể được tiếp cận thông qua hệ thống y tế cơ sở, nhất là trạm y tế lưu động như Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào trong thời gian vừa qua. Đây thực sự là bài học hết sức quý giá.
PV: Trong suốt thời gian qua, người dân và doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn để cùng đất nước chống dịch, ông có điều gì muốn chia sẻ, gửi gắm đến họ?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Thời gian vừa qua là thách thức không chỉ đối với xã hội nói chung, ngành y tế nói riêng, chúng ta đã chịu nhiều tổn thất về con người, xã hội, đặc biệt nhiều gia đình mất người thân. Nhiều trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi. Doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covid-19 này. Tôi nghĩ rằng, chúng ta bắt buộc phải chuẩn bị tâm thế để bước vào một tình hình mới.
Trong trạng thái bình thường mới này, chúng ta có 3 tiêu chí hết sức quan trọng. Đó là an toàn thì mở cửa và đã mở cửa phải an toàn. Thứ hai là linh hoạt, tức là khi phát hiện ca mắc mới, sẽ thực hiện khoanh vùng, tuy nhiên càng nhỏ càng tốt, có thể khoanh đến địa bàn như tổ dân phố, một vài nhà xung quanh khu nhà có người mắc. Vấn đề thứ ba là tổ chức kiểm soát hiệu quả, bằng cách xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng tại khu vực tập trung đông người như trường học, bệnh viện, các chợ đầu mối hoặc là bến xe, phương tiện vận chuyển…
Chúng tôi rất cảm ơn tất cả các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch đã có những hy sinh, cống hiến hết sức đáng trân trọng trong đợt dịch này. Chúng tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới người dân trên cả nước nói chung đã hỗ trợ cho TP.HCM cũng như người dân tại TP.HCM trên tâm thế tự nguyện cùng tham gia đợt xét nghiệm rộng trên địa bàn thành phố, tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như các bộ, ngành khác khi di chuyển, cách ly, ở đâu yên ở đó… Đây là những cái tôi nghĩ hết sức quý giá.
Cuối cùng là cảm ơn sự đóng góp của các doanh nghiệp. Mặc dù là trong giai đoạn rất khó khăn nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ và hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, từ trang thiết bị, vật tư y tế, cơ sở vật chất… để ngành y tế có thể hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian vừa qua.
Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn là tất cả mọi người dân chúng ta dù bước vào trạng thái bình thường mới thì tại các địa phương đã có dịch vẫn phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không được lơ là chủ quan, tiếp tục thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch như Bộ Y tế đã khuyến cáo, không để dịch bệnh có khả năng bùng phát trở lại.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.
Nguồn: VOV.VN
Ý kiến bạn đọc