Bão số 8 (Kompasu) đang đi với tốc độ rất nhanh, có thể đạt cấp 11 khi tới khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Hướng đi của bão số 8. Ảnh: TTXVN.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 8 là cơn bão có hoàn lưu gió mạnh cấp 6 rất lớn, vì vậy, tốc độ di chuyển của bão sẽ nhanh, có thể đạt cấp 11 khi tới khu vực quần đảo Hoàng Sa. Khi vào gần khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có thể giảm 2 - 3 cấp do ảnh hưởng từ không khí lạnh và địa hình.
Quan sát trên ảnh mây vệ tinh cho thấy hoàn lưu mây bão rất rộng lên tới hàng nghìn cây số. Bão Kompasu sẽ bắt đầu gây mưa to cho khu vực Thanh Hóa tới Quảng Nam từ ngày 13/10 và mưa rất to, gió mạnh từ đêm 13/10 đến ngày 14/10.
Do bão di chuyển nhanh nên thời gian chuẩn bị ứng phó với cơn bão tương đối ít, chính vì thế ngay từ lúc này, người dân những khu vực vừa chịu ảnh hưởng bởi bão số 6 và số 7 cần thường xuyên cập nhật liên tục thông tin về cơn bão từ chính quyền địa phương, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh và các phương tiện thông tin chính thống, để có thể hạn chế tối đa ảnh hưởng và thiệt hại mà bão có thể gây ra.
Trong đêm 11/10, bão Kompasu đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 8. Sáng 12/10, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 16-19 độ vĩ Bắc nối với cơn bão số 8, lúc 1h có vị trí ở khoảng 18,9 độ vĩ Bắc, 119,9 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 950km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Không khí lạnh có cường độ ổn định.
Do tác động của các hình thái thời tiết trên, ngày và đêm 12/10, Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc đến Bắc mạnh cấp 6, phía Bắc đêm tăng lên cấp 7, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoảng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua có gió mạnh cấp 10, sau tăng lên cấp 11, giật cấp 13, sóng biển cao từ 5-7m, biển động dữ dội.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Tây Bắc, từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-4m, biển động. Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận và khu vực giữa Biển Đông có gió Tây đến Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.
Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh, khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro do gió mạnh trên biển cấp 2, riêng khu vực Bắc Biển Đông cấp 3.
Trên đất liền, từ 13-15/10, Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng; từ ngày 16/10, có khả năng dịch xuống phía Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ngày 12/10, Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50mm/24h, có nơi trên 70mm/24h. Từ 12-13/10, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến 70-140mm, có nơi trên 180mm, mưa lớn tập trung vào chiều và tối, khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Thứ trưởng Lê Công Thành, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cần hết sức tập trung, bám sát vào diễn biến của cơn bão số 8, khả năng công nghệ và dự báo, từ đó đưa ra những nhận định kịp thời trong những ngày tới.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc