Trong ngày 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và TT-Huế...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu Quốc hội các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang và TP Hải Phòng thảo luận ở tổ ngày 21/10
Theo dự kiến chương trình của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, trong ngày làm việc thứ 3 (22/10), Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định một số nội dung chủ yếu như sau:
- Về Hợp đồng bảo hiểm: dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan đến nội dung, hình thức của hợp đồng bảo hiểm; các trường hợp đơn phương, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng, chuyển giao hợp đồng bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm tài sản và trách nhiệm, bảo hiểm con người, bảo hiểm trách nhiệm; đề phòng hạn chế tổn thất; phòng chống gian lận bảo hiểm; giải quyết tranh chấp.
-Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, gồm các quy định: về cấp giấy phép thành lập và hoạt động bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm thu hút thêm nhà đầu tư mới; về tổ chức hoạt động; kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro; về hoạt động nghiệp vụ KDBH; về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm; về công khai thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm
- Về bảo hiểm vi mô, bao gồm các quy định, gồm: khái niệm bảo hiểm vi mô; các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô; sự phù hợp của quy định bảo hiểm vi mô với các Hiệp định song phương và đa phương.
Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định về: đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, chính sách tài chính, kế toán, kiểm toán độc lập; quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho từng tỉnh, thành phố, tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội quy định thí điểm 4 cơ chế, chính sách đặc thù với tỉnh Thừa Thiên-Huế; 9 chính sách đặc thù với tỉnh Nghệ An và 7 chính sách đặc thù với thành phố Hải Phòng.
Chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế
Cụ thể, với tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong các chính sách, cơ chế đặc thù có việc cho phép tỉnh thu đầy đủ phí tham quan di tích trên địa bàn vào ngân sách nhà nước...
Với tỉnh Nghệ An, trong 9 cơ chế chính sách đặc thù, có việc cho phép tỉnh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài...
Đối với thành phố Hải Phòng, trong 7 chính sách đặc thù có việc đồng ý cho tổ chức nghiên cứu và triển khai xây dựng Khu thương mại tự do ở Hải Phòng trên cơ sở đánh giá, phân tích mô hình quản lý, các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.
Trước đó, Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh; Tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài...
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung trên.
Cho ý kiến tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung trong các báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế của Chính phủ, tán thành Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội về các báo cáo nêu trên; đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý một số nội dung sau:
Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 một cách toàn diện để trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Sớm trình Quốc hội đồng bộ dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tiếp tục quan tâm đầu tư và có cơ chế để nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng theo đúng quy định của pháp luật; bố trí đủ 30% chi ngân sách cho y tế dự phòng; nghiên cứu nâng mức đóng bảo hiểm y tế ở mức phù hợp với khả năng chi trả của người dân cũng như khả năng của ngân sách nhà nước.
Quan tâm hơn nữa việc bảo đảm tham gia bảo hiểm y tế đối với người lao động trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế, nghiên cứu kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sớm tích hợp thẻ bảo hiểm y tế với Căn cước công dân.
Chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, đấu thầu, tự chủ bệnh viện và các văn bản liên quan.
Chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong quá trình thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc